[In trang]
Doanh nghiệp phát triển bền vững qua thực hành sản xuất sạch
Thứ hai, 06/01/2020
Nhờ việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm, áp dụng phương pháp quản lý các nguyên vật liệu đầu vào, giảm thiểu tới mức tối đa chất thải và ô nhiễm từ khâu khai thác tài nguyên cho đến khâu tái sử dụng hàng hóa và dịch vụ, nhiều doanh nghiệp đã tiết kiệm được từ 30-40% chi phí sản xuất, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Nhờ việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm, áp dụng phương pháp quản lý các nguyên vật liệu đầu vào, giảm thiểu tới mức tối đa chất thải và ô nhiễm từ khâu khai thác tài nguyên cho đến khâu tái sử dụng hàng hóa và dịch vụ, nhiều doanh nghiệp đã tiết kiệm được từ 30-40% chi phí sản xuất, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường.    
Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam đã xây dựng được chuỗi liên kết ngao theo hướng ASC giữa các cấp chính quyền tỉnh Nam Định, những người nuôi ngao và công ty. Ảnh: Hương Dịu.
Lợi ích qua những con số
Khi áp dụng sản xuất sạch, Công ty Cổ phần Giấy xuất khẩu Thái Nguyên đã xây dựng 2 bể lắng thu hồi bột giấy và tuần hoàn nước xeo, nhằm giải quyết xơ sợi lẫn trong nước thải từ khâu ngâm ủ. Nhờ đó đã tiết kiệm 315 triệu đồng/năm, thu hồi vốn sau 14 tháng. Trong khi đó, lợi ích môi trường mang lại khá hiệu quả, với lượng thu hồi 44% bột giấy thô và giảm tiêu thụ lượng bột giấy lên đến 30%.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam cho biết, trong năm 2019, dự kiến nhà máy chế biến ngao của Công ty sẽ sản xuất đạt 5.500 tấn ngao, xuất khẩu đạt gần 7 triệu USD và doanh thu dự kiến đạt trên 25 tỷ đồng. Để có được kết quả trên Công ty đã xây dựng được chuỗi liên kết ngao theo hướng ASC giữa các cấp chính quyền tỉnh Nam Định, những người nuôi ngao và công ty. ACS xác nhận cấp quốc tế về một vùng nuôi ngao được nuôi trồng bền vững và có trách nhiệm.
“Đầu tư trang thiết bị công nghệ mới và tiên tiến là con đường giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm thực phẩm nông nghiệp đòi hỏi yêu cầu chế biến nhanh và đảm bảo chất lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu trong quá trình thu hoạch và chế biến”, ông Hồ Nguyên nhấn mạnh. Ông Nguyên cũng kiến nghị các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, vận chuyển phân phối và bán lẻ nên cùng nhau hợp tác hình thành liên kết chuỗi tạo thành vùng trồng bền vững và có trách nhiệm, sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch tới người tiêu dùng.
Đáng chú ý, hiện mức tiêu thụ nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm của chúng ta vẫn cao gấp 1,5 - 2 lần so với các nước trong khu vực chính vì vậy vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thực hành sản xuất sạch hơn tại Việt Nam. Dẫn chứng về những con số thực tế mà các doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho biết, trong ngành sản xuất đường, Công ty Cổ phần mía đường Sông Con đã áp dụng lắp đặt hệ thống phá cặn lò hơi bằng hóa chất hoạt động liên tục giúp tăng hiệu suất trao đổi nhiệt, thu hồi nước ngưng tái sử dụng cho lò hơi. Sáng kiến trên đã giúp công ty tiết kiệm được 360 triệu đồng/năm, đồng thời giúp giảm phát thải khí CO2 ra môi trường.
Còn Công ty Cổ phần Bia rượu Sài Gòn – Đồng Xuân nhờ thực hiện lắp đặt hệ thống thu hồi nước ngưng và tuần hoàn trở lại nồi hơi đã giúp công ty tiết kiệm được 70 triệu đồng/năm, thu hồi vốn chỉ sau 3 tháng, đồng thời góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu và tiết kiệm 600m3 nước mỗi năm.
Đồng hành từ chính sách
Trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai từ năm 2009. Cho tới nay, sau 10 năm triển khai tích cực các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiêp thông qua các chương trình của Chính phủ và với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với những dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Việt Nam có tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước và hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp này chính là vấn đề vốn và công nghệ. Trong khi đó, để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp thường phải đầu tư lớn liên quan đến đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào.
Ông Đặng Hải Dũng, Chánh văn phòng Sản xuất sạch hơn và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng được 20 mô hình và 30% các doanh nghiệp áp dụng sản xuất bền vững; 70% các cơ sở phân phối là siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh/thành phố phân phối sản phẩm thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực, phát triển khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về sản xuất tiêu dùng bền vững; hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức quản lý và triển khai chương trình.
Xuân Thảo