Kinh tế tuần hoàn và hướng đi mới của nhựa tái chế
Thứ hai, 09/12/2019
Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn - Công thức tăng trưởng bền vững của ngành nhựa” đã mang đến bức tranh tổng quan về xu hướng phát triển của ngành trên thế giới khi đặt mô hình kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm.
Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn - Công thức tăng trưởng bền vững của ngành nhựa” đã mang đến bức tranh tổng quan về xu hướng phát triển của ngành trên thế giới khi đặt mô hình kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm.
Ngành nhựa gặp khó
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về Công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam (Plastics & Rubber Vietnam, Hanoi 2019), mới đây, tại Hà Nội, Công ty Informa Markets (Việt Nam) phối hợp với Công ty CP Revival Waste tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn - Công thức tăng trưởng bền vững của ngành nhựa” đã được tổ chức nhằm mang đến bức tranh tổng quan về xu hướng phát triển của ngành trên thế giới khi đặt mô hình kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm.
Ông Hoàng Đức Vượng - Chi hội trưởng Chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho biết, ngành nhựa liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng từ 15 - 20% mỗi năm. Năm 2023, dự kiến ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nhựa phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Hội thảo mang đến bức tranh tổng quan về xu hướng phát triển của ngành trên thế giới khi đặt mô hình kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế phát triển của ngành nhựa trong thời gian qua, ông Hoàng Đức Vượng nhận định, ngành nhựa ở nước ta còn non trẻ và cạnh tranh rất gay gắt với các nước ở trong khu vực. Đa số các sản phẩm nhựa về công nghiệp, nhựa tiêu dùng của nước ta đa số nhập từ nước ngoài như, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...
Thêm vào đó, công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam chưa phát triển bởi phát triển tự phát chủ yếu ở các làng nghề và cơ sở nhỏ. Mặc dù một số địa phương đã lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường, nhưng chưa có địa phương nào triển khai quy hoạch các khu công nghiệp; cụm công nghiệp cho riêng ngành công nghiệp môi trường, trong đó có ngành tái chế phế liệu nhựa.
“Điều này dẫn đến thực trạng nhập khẩu và tái chế nhựa phế liệu là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Khi chính sách quản lý và thông quan còn bất cập, các cơ quan quản lý và dư luận chưa thực sự hiểu rõ về nhựa phế liệu nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm đã khiến tình trạng tồn đọng phế liệu nhựa tại các cảng rất lớn, gây áp lực rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Vượng cho biết.
“Chìa khóa vàng” làm tăng vòng đời của sản phẩm
Việc tìm kiếm hướng đi bền vững, giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường đang đặt ra thách thức đối với ngành nhựa hiện nay. Mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là “chìa khóa vàng” gỡ bỏ các vướng mắc và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp nhựa và ngành nghề liên quan trong “cuộc đua xanh” thông qua các hoạt động quản lý, thu gom và tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam.
Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần tiếp cận ngay với nền kinh tế tuần hoàn đang được xem là mô hình ưu việt khi tối đa hóa được vòng đời của sản phẩm, tạo ra những nguồn nguyên liệu mới từ phế liệu nhựa để vừa đạt được lợi ích về kinh tế, tạo ra các giá trị mới cho xã hội và môi trường.
Thông qua Hội thảo, các doanh nghiệp nhựa, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hiểu được vai trò và hướng đi cụ thể trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn
Ông Phạm Hoàng Hải - Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc VCCI nhận xét, kinh tế tuần hoàn chưa thực sự khởi sắc tại Việt Nam khi hệ thống pháp lý chưa khuyến khích thực hiện gia công tái chế. “Các giải pháp ngắn hạn và hạn chế tại một số doanh nghiệp đều thất bại trong 3-5 năm hoặc không tạo được sự khác biệt lớn.
Lượng nguyên liệu tái chế được từ các giải pháp này chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng nguyên vật liệu đưa vào thị trường mỗi năm. Cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự có một chương trình khuyến khích được sự tham gia từ cộng đồng trong các hoạt động thu gom, tái chế nhựa phế liệu”, ông Hải chỉ rõ.
Các chuyên gia thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, tái chế nhựa tại Việt Nam chính là một trong những hoạt động hướng đến việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã đầu tư, đẩy mạnh và thành công trong việc chống ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và tận thu lợi ích kinh tế qua tái chế nhựa, Việt Nam lại nằm trong top những quốc gia đang lãng phí nguồn tài nguyên này.
“Việc thúc đẩy áp dụng các mô hình của kinh tế tuần hoàn vào trong ngành công nghiệp tái chế nhựa là một bước đi hoàn toàn cần thiết nhằm biến ngành này trở thành một ngành mũi nhọn trong phân ngành công nghiệp môi trường”, chuyên gia Lại Văn Mạnh nêu quan điểm.
Để phát triển ngành công nghiệp môi trường và tái chế nhựa phế liệu tại Việt Nam làm cơ sở, tạo đà cho nền kinh tế tuần hoàn phát triển, ông Hoàng Đức Vượng đề xuất, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp tái chế nhựa với chủ trương: Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm và cộng đồng tham gia thực hiện. Từ đó xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp tái chế nhựa, mà trọng tâm là Đề án thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải nhựa ở Việt Nam.
Phía Hiệp hội nhựa Việt Nam cần có cơ chế phối hợp với Bộ TN&MT trong việc quản lý các doanh nghiệp tái chế nhựa. Xem xét công tác cấp mới và cấp lại giấy phép nhập khẩu nhựa phế liệu, nhất là đối với các doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện.
Các doanh nghiệp tái chế nhựa cần tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các chính sách, quy chuẩn do nhà nước ban hành; có sự đầu tư thích đáng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường, lập bộ phận chuyên môn về môi trường vận hành và bảo trì các hệ thống; Lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín; kinh nghiệm; thiết kế; gia công và lắp đặt các hệ thống xử lý hiệu quả; khả thi; vận hành và bảo trì đúng theo thiết kế cũng như nên di dời hay đầu tư mới vào các khu công nghiệp; cụm công nghiệp chuyên ngành.
Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng cần hiểu đúng, không đưa những thông tin bài bác về lĩnh vực xử lý; sử dụng và tái chế nhựa phế liệu để có thông tin kịp thời; chính xác giúp cơ quan quản lý có thông tin cần thiết. Cộng đồng cũng cần ủng hộ các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật; có hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường trong công tác tái chế nhựa tại Việt Nam.
Nghiêm Lan