UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định quản lý, sử dụng kinh phí và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Theo Quyết định, có 7 nhóm danh mục ngành, nghề được hưởng chính sách khuyến công: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm; Sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu; Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất vật liệu xây dựng; Sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học. Sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ; Sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; Khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT.
Mức chi chung cho hoạt động khuyến công được thực hiện theo các văn bản do Trung ương ban hành. Đối với mức chi hoạt động khuyến công địa phương được quy định cụ thể tại Quyết định như:
Chi hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất CNNT tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/doanh nghiệp. Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 250 triệu đồng/mô hình. Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 100 triệu đồng/cơ sở. Chi hỗ trợ để thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp tỉnh, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thành lập, nhưng không quá 35 triệu đồng/hội, hiệp hội cấp tỉnh. Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 750 triệu đồng/cụm công nghiệp…
UBND tỉnh cũng quy định nguyên tắc ưu tiên theo địa bàn và ngành nghề. Đối với các chương trình được ưu tiên theo địa bàn là các chương trình, đề án thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; địa bàn các xã trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Đối với các chương trình được ưu tiên theo ngành nghề là các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí, hoá chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thuộc các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; công nghiệp mũi nhọn; công nghiệp trọng điểm của địa phương; sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động.
Thông tin chi tiết xem tại đây