Giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương
Thứ tư, 30/10/2019
Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương".
Với xu thế chung của toàn cầu là tiến tới loại bỏ việc sử dụng túi ni lông, thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, sáng 25/10, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương".
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương, các chuyên gia đến từ Hiệp hội, viện nghiên cứu, đơn vị tư vấn; doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa... các chuyên gia đến từ Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương.
Thực tế hiện nay, lượng nhựa tiêu thụ có xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, trong khi việc phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả, các cơ sở tái chế và xử lý rác thải nhựa chủ yếu ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường . Để hạn chế tác hại của chất thải nhựa, ngành Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu việc phát thải chất thải nhựa từ khâu sản xuất tới phân phối và tiêu dùng. Tuy nhiên, chất thải nhựa vẫn đang là thách thức rất lớn, cần tiếp tục có những hành động hết sức tích cực trong mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018, mỗi phút thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 500 tỷ túi nilon được sử dụng. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
Việc lạm dụng túi nilon trong cuộc sống thường nhật của người dân toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe con người, đến ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái... cản trở mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế và các nước đặt ra.
Cùng với việc sử dụng, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Đến nay, có khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Hậu quả của việc thải bỏ túi nilon và các sản phẩm nhựa chính là xói mòn đất đai, triệt tiêu sự sinh trưởng của các loại thực vật, tàn phá hệ sinh thái, gây tổn hại sức khỏe con người.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Ở các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là trên 41 kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8 kg/người/năm.
Ông Đặng Chương Linh, đại diện Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, với đặc điểm có giá thành sản xuất rẻ và tiện lợi đựng bất cứ thứ gì có thể, túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 30 tấn nilon được sử dụng tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, chưa kể tại các hộ dân.
Có thể nhận thấy, túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu, đáp ứng công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa và giá thành sản xuất rẻ. Tuy nhiên, thói quen này có thể đem lại sự tiện lợi cho con người trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường. Vì vậy, nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa. Một số quốc gia thậm chí đã cấm cung cấp miễn phí túi nylon cho khách hàng, hoặc cấm sử dụng túi ni lông ở một số địa điểm, như tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ, Australia và một số quốc gia tại châu Phi.
Đề xuất một số giải pháp nhằm loại bỏ túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại chợ, trung tâm thương mại và siêu thị ở nước ta trong thời gian tới, đại diện Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương cho rằng, đối với các doanh nghiệp, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hằng ngày hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Đối với người dân, cần thay đổi hành vi sử dụng như chuyển đổi thói quen khi đi chợ có thể sử dụng túi đựng nhiều lần, sử dụng túi dễ phân hủy. Về phía chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi nylon tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là chợ truyền thống.
Tuy nhiên, có thể nhận định việc hạn chế tiến tới ngừng sử dụng bao bì nhựa, túi nilon sử dụng một lần, khó phân hủy là việc làm cần thiết, nhưng với thực tế hiện nay, việc này không thể thực hiện ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn, thay vào đó cần có lộ trình, sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, đặt ra các nhiệm vụ cụ thể, triển khai từng bước một cách hợp lý.
Chia sẻ về định hướng giảm thiểu chất thải nhựa tại Hội thảo, ông Nguyễn Duy Thái - Tổng Biên tập Tạp chí Công nghiệp môi trường nhấn mạnh, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa. Ngày 09 tháng 6 năm 2019, trong Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu “phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Theo ông Thái, ngoài việc tăng thuế nguyên liệu đầu vào với các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy; Ưu tiên sử dụng phế thải nhựa phát sinh trong nước để tái chế; Quản lý chặt chẽ các phế thải nhập khẩu để đảm bảo đúng mục tiêu của các doanh nghiệp đã đăng ký. Hạn chế, tiến tới cấm nhập khẩu phế thải Việt Nam nên tăng cường đưa các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy vào phục vụ cuộc sống. Các sản phẩm phải đa dạng, phù hợp với nhu cầu và giá cả tiêu dùng.Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về tác hại sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy...
Thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ thêm một số thực trạng gặp phải hiện nay như giá các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy thấp, dễ mua; Sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn ít, khó tìm, giá cao; Chính sách quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu; nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn bất cập…
Trước những thực trạng đó, Bộ Công Thương cũng như các cơ quan quản quản lý nhà nước xác định việc “Thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng” là hoạt động vô cùng quan trọng. Việc hạn chế tiến tới ngừng sử dụng bao bì nhựa, túi nilon sử dụng một lần, khó phân hủy là việc làm cần thiết, nhưng với thực tế hiện nay, việc này cần có lộ trình thực hiện, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, chính quyền, công đồng, người dân.
Theo Cổng thông tin điện tử MOIT