[In trang]
Yên Bái: Hỗ trợ thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh
Thứ hai, 06/10/2014
Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn không giới hạn về quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân hàng năm và địa bàn đầu tư sản xuất.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn không giới hạn về quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân hàng năm và địa bàn đầu tư sản xuất.

Ngày 17 tháng 9 năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành “Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động khuyến công tỉnh Yên Bái” (Quy chế) tại Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND.

Quy chế này được áp dụng đối với:

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp hoặc số lao động bình quân năm như quy định tại Điều 3, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cơ sở đào tạo nghiên cứu khoa học công nghệ, doanh nghiệp có hoạt động tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất công nghiệp nông thôn.

- Hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Tổ hợp tác thành lập và hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác.

- Hộ kinh doanh theo quy định Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

- Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn không giới hạn về quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân hàng năm và địa bàn đầu tư sản xuất.

Các tổ chức, cá nhân nói trên nếu đầu tư sản xuất vào các ngành, nghề sau đây được hưởng các chính sách khuyến công của tỉnh:

 

a) Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm.

 

b) Sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu.

 

c) Công nghiệp hoá chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Sản xuất vật liệu xây dựng.

 

d) Sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học; sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ.

đ) Sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.

e) Khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

 

g) Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

 

Một số nội dung khuyến công cụ thể:

 

- Chi hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, bao gồm: Hoàn thiện kế hoạch kinh doanh khả thi; dự án thành lập doanh nghiệp và chi phí liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp.

- Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, bao gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/mô hình.

- Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng/cơ sở.

- Chi hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trong nước, bao gồm: Hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng, chi thông tin tuyên truyền và chi hoạt động của Ban tổ chức hội chợ triển lãm trên cơ sở giá đấu thầu hoặc trường hợp không đủ điều kiện đấu thầu thì theo giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm khác trong nước. Mức hỗ trợ 80% giá thuê gian hàng.

- Chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/thương hiệu.

- Chi hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực: Lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/cơ sở.

- Chi hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp (hỗ trợ sau khi cơ sở công nghiệp nông thôn đã hoàn thành việc đầu tư): Mức hỗ trợ tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay để đầu tư nhà, xưởng, máy móc thiết bị trong 02 năm đầu nhưng không quá 250 triệu đồng/cơ sở.

 

Hồ sơ đề án để được xem xét hưởng chính sách khuyến công bao gồm:

 

a) Đề án khuyến công lập. Đối với các đề án khuyến công mà đơn vị thực hiện đề án không đồng thời là đơn vị thụ hưởng thì phải có văn bản đề nghị của đơn vị thụ hưởng.

b) Kế hoạch và danh mục các đề án khuyến công của UBND các huyện thị thành phố.

c) Tờ trình đề nghị thẩm định đề án khuyến công của Trung tâm Khuyến công.

d) Tài liệu kèm theo: Đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương; Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Cam kết của đơn vị thụ hưởng chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước cho cùng một nội dung chi được chương trình khuyến công hỗ trợ; Cam kết đầu tư đủ kinh phí để thực hiện theo đề án được phê duyệt.
 

Quyết định quy định cụ thể nội dung thẩm định đề án khuyến công, nghiệm thu và thành phần nghiệm thu đề án, chứng từ chi,...

Các đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công của tỉnh có trách nhiệm:
 

1. Phối hợp với Trung tâm khuyến công xây dựng đề án, triển khai thực hiện đề án theo các nội dung đã được phê duyệt hoặc các điều khoản đã ký kết; sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng dự toán và các quy định hiện hành của nhà nước.

 

2. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu các đề án khuyến công hoàn thành. Thực hiện thanh lý và quyết toán kinh phí theo đúng quy định.

 

3. Chịu trách nhiệm lưu giữ hồ sơ, tài liệu; quản lý và sử dụng máy móc thiết bị hoặc các nội dung khác được hỗ trợ từ nguồn khuyến công theo quy định để phục vụ công tác hậu kiểm; Có trách nhiệm lập báo cáo và cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến đề án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án, kế hoạch khuyến công địa phương.

 

4. Đảm bảo và chịu trách nhiệm pháp lý về các thông tin, tài liệu, các loại báo cáo và các văn bản có liên quan khác đã cung cấp cho cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng và thực hiện đề án.

5. Trong quá trình hoạt động, nếu dự án không có hiệu quả, các tổ chức cá nhân muốn chuyển đổi mô hình sản xuất khác, hoặc ngừng hoạt động phải báo cáo với chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến công để có hướng xử lý.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy chế xây dựng, tổ chức, thực hiện và quản lý các hoạt động khuyến công tỉnh Yên Bái (Phong Lâm).