Cần có chính sách, pháp luật cụ thể cho kinh tế tuần hoàn
Thứ sáu, 08/11/2019
Kinh tế tuần hoàn là một phương thức có thể giúp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Tuy nhiên cần có hệ thống chính sách, pháp luật thích hợp thúc đẩy. Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tham dự Đối thoại về Kinh tế tuần hoàn diễn ra tại Hà Nội ngày 7/10/2019.
Kinh tế tuần hoàn là một phương thức có thể giúp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Tuy nhiên cần có hệ thống chính sách, pháp luật thích hợp thúc đẩy. Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tham dự Đối thoại về Kinh tế tuần hoàn diễn ra tại Hà Nội ngày 7/10/2019.
Đối thoại về kinh tế tuần hoàn do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức, nhằm tăng cường truyền thông về mô hình kinh tế ưu việt này tới doanh nghiệp và cộng đồng.
Ưu điểm của kinh tế tuần hoàn là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên, nhiên vật liệu, bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cũng như xã hội và môi trường. Ông Nguyễn Hoàng Nam - Tư vấn Chính sách Viện Chiến lược chính sách môi trường, cho rằng: Kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Việt Nam những năm trước đây, không phải bây giờ mới có. Chẳng hạn như mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) trong nông nghiệp. Gần đây, trong lĩnh vực chế biến thủy sản cũng đã áp dụng kinh tế tuần hoàn như tái sử dụng đầu tôm (trước đây coi là phế thải bỏ đi) chiết xuất ra các hoạt chất để chế biến thuốc. Việc tận dụng phế thải đầu tôm ước tính có thể tạo ra thêm được khoảng 4,5 tỷ USD/năm cho ngành thủy sản, thay vì bỏ đầu tôm thành phế thải, tốn kém chi phí xử lý, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Cao hơn nữa, một số doanh nghiệp như Heineken… đã tận dụng cả phế thải đồng ruộng vào việc phát điện cung cấp điện năng cho sản xuất, tái chế khoảng 99 bao bì (vỏ lon bia) sản phẩm sau tiêu dùng. Thậm chí ngày nay, chất thải của ngành sản xuất này cũng đã được tận dụng tái chế trở thành đầu vào của ngành sản xuất khác, biến chất thải thành tài nguyên có ích.
Hiện nay, VBCSD đã và đang phối hợp với các bên liên quan và một số doanh nghiệp triển khai thí điểm các chương trình kinh tế tuần hoàn như: Phát triển thị trường vật liệu xây dựng thứ cấp, giúp người bán, người mua, bên cung cấp dịch vụ tương tác lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong giải quyết đầu ra cho các sản phẩm tái chế từ phế thải. Hay xây dựng thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh... Trong năm 2018, VBCSD cũng đã lồng ghép các khía cạnh về kinh tế tuần hoàn vào chương trình đánh giá các doanh nghiệp bền vững hàng năm. Mới đây, kinh tế tuần hoàn đã được lồng ghép vào nội dung của chương trình nghị sự tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, do Hội đồng quốc gia Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức. Tại hội nghị này, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị đưa nội dung kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; Nhà nước có cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp khuyến khích phổ biến mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên & môi trường, cho biết: Trong hệ thống pháp luật về môi trường Việt Nam đã có các hàm ý liên quan đến kinh tế tuần hoàn như: Khuyến khích công nghệ thân thiện môi trường; ưu đãi, hỗ trợ các loại hình sản xuất thân thiện môi trường… Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn cũng mới dừng lại ở mức độ khung, chưa cụ thể hóa một cách chi tiết trong thực tiễn. Chính vì vậy, các mô hình kinh tế tuần hoàn đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống nhiều. Theo ông Mai Thanh Dung, kinh tế tuần hoàn liên quan đến tái chế chất thải, rác thải…, vì vậy Nhà nước cần có chính sách cho các doanh nghiệp đi tiên phong thực hiện mô hình này trên cơ sở họ thấy được những lợi ích thiết thực.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng, cần xây dựng một lộ trình cụ thể triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên cơ sở phát huy vai trò của các bên liên quan, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tham gia.
Ông Ernesto Hartikainen - Chuyên gia cao cấp về kinh tế tuần hoàn thuộc SITRA của Phần Lan (một quốc gia có trình độ phát triển kinh tế tuần hoàn tiên tiến) chia sẻ: Kinh nghiệm Phần Lan cho thấy, để triển khai thành công kinh tế tuần hoàn, 2 yếu tố rất quan trọng cần lưu ý là công nghệ hiện và giáo dục - đào tạo. Có công nghệ hiện đại, tiên tiến, phù hợp có thể biến phế thải thành tài nguyên có ích, tái chế các phế thải sau tiêu dùng, sử dụng… thành các sản phẩm mới. Còn giáo dục - đào tạo mới có được nguồn nhận lực tốt, có đủ năng lực, trình độ làm chủ công nghệ; đồng thời nhận thức tốt về kinh tế tuần hoàn, qua đó tuyên truyền, khuyến khích xã hội ủng hộ (tiêu dùng, sử dụng) các sản phẩm tái chế từ phế thải, các sản phẩm đầu ra từ mô hình kinh tế tuần hoàn…
Theo Báo Công Thương