Sản xuất sạch hơn: Mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp công nghiệp
Thứ hai, 07/10/2019
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hội thảo, đào tạo, tập huấn về sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hội thảo, đào tạo, tập huấn về sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Sữa đậu nành Vinasoy. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Chiến lược công nghiệp hiện đại
Các chuyên gia đánh giá, cùng với xu thế hội nhập quốc tế, SXSH đã trở thành một trong những chiến lược quan trọng của ngành công nghiệp hiện đại. SXSH không chỉ giúp các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng phế phẩm và bán thành phẩm có giá trị, tạo hình ảnh tốt hơn cho DN mà còn giúp bảo vệ môi trường nơi làm việc, cải thiện sức khỏe người lao động và đưa công nghiệp phát triển bền vững.
SXSH trong công nghiệp chính là hoạt động nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu, năng lượng và làm giảm việc tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng cho một đơn vị sản phẩm, loại bỏ tối đa các vật liệu độc hại, giảm độc tính của các dòng thải và chất thải trước khi chúng ra khỏi quá trình sản xuất. SXSH làm giảm các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu khai thác nguyên liệu thô đến khâu thải bỏ cuối cùng thông qua việc thiết kế sản phẩm hợp lý, SXSH sẽ làm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho DN.
Đối với các dự án SXSH sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của các DN, cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm do sản xuất công nghiệp gây ra. Qua đó làm giảm mức phát sinh chất thải làm cho môi trường liên tục được cải thiện và giảm được chi phí xử lý môi trường. Việc áp dụng SXSH vào sản xuất cũng sẽ làm tăng lợi thế so sánh, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của các DN trên thị trường.
Để góp phần giúp DN ngành công nghiệp tiếp cận với công nghệ SXSH, trong thời gian qua Sở Công thương đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực đánh giá SXSH. Lớp tập huấn tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cách tiếp cận phương thức SXSH, trên cơ sở đó cùng các DN, cơ sở sản xuất đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể để đẩy nhanh áp dụng SXSH vào trong sản xuất.
Cùng với đó, Sở Công thương đã hỗ trợ 35 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tổng số tiền hỗ trợ trên 862 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Việc hỗ trợ giúp các DN hướng tới bảo vệ môi trường, trong đó có kiểm soát quá trình sản xuất, tiết kiệm triệt để nguyên liệu đầu vào, tái sử dụng phế phẩm, đầu tư hệ thống xử lý rác thải. Đây là hoạt động thường xuyên trong công tác khuyến công.
Năm 2016, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1849/2016/ QĐ-UBND tỉnh về kế hoạch SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn, với mục tiêu phổ biến rộng rãi cách tiếp cận SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, cũng như bảo đảm điều kiện làm việc cho công nhân và môi trường sống cho cộng đồng.
Doanh nghiệp cần nâng cao ý thức
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Sở Công thương, hiện nay việc áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức của các DN về lợi ích của SXSH chưa cao. Nhiều DN cho rằng SXSH chỉ đơn thuần liên quan đến vệ sinh môi trường. Do đó lãnh đạo DN gần như không quan tâm, thậm chí còn cho rằng SXSH có thể gây tốn kém thêm cho DN.
Bên cạnh đó, nhiều DN còn có tâm lý không muốn thay đổi vì cho rằng họ vẫn hoạt động tốt mà không cần bất cứ sự can thiệp nào khác. Rào cản kỹ thuật cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến việc SXSH chưa thật sự đi vào sản xuất, kinh doanh của DN. Hiện nay, đa số DN trên địa bàn tỉnh là vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất còn hạn chế, đặc biệt năng lực tài chính không đủ mạnh nên việc đầu tư công nghệ mới cho SXSH gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng với đó, các DN thường có xu hướng tập trung vào công đoạn bán hàng hơn là đầu tư công nghệ, thiết bị mới để giảm chi phí trong sản xuất. Hơn nữa, đối với DN vừa và nhỏ, chi phí đầu tư cho công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu thường lớn so với khả năng của DN. Vì vậy, các DN khó có thể áp dụng giải pháp đầu tư công nghệ mới. Vì thế, SXSH vẫn chỉ được xem như là một dự án chứ không phải là chiến lược thực hiện liên tục của DN.
Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh cho biết để thúc đẩy quá trình SXSH đạt hiệu quả, Nhà nước cần có những giải pháp, chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn cho DN đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, vì DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường rà soát, đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất của từng DN; xử phạt nghiêm đối với DN, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Nhất là trong quá trình thẩm định cấp phép đầu tư mới, các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện tốt công tác kiểm tra và đánh giá chất lượng dây chuyền công nghệ, tránh tình trạng nhập khẩu các phương tiện máy móc cũ, công nghệ lạc hậu gây lãng phí về tài chính và tác động xấu đến môi trường.
Hiện nay, việc mở rộng áp dụng SXSH trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một yêu cầu khách quan trong tiến trình phát triển kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, với trình độ khoa học - công nghệ của các DN trên địa bàn tỉnh có điểm xuất phát thấp nên việc triển khai thực hiện SXSH cần phải coi trọng các yếu tố lịch sử.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá hiện trạng của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng một lộ trình triển khai cụ thể trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực và khuyến khích DN xây dựng kế hoạch, lộ trình để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc cho đồng bộ. Có như vậy chương trình SXSH trong công nghiệp mới được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm tính khoa học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh phấn đầu có 90% cơ sở sản xuất công nghiệp được hướng dẫn cơ bản về SXSH, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên, vật liệu trên đơn vị sản phẩm… |
Theo ngành công thương, hiện các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có ý thức về bảo vệ môi trường nhưng do khả năng tài chính, công nghệ, kỹ thuật hạn chế nên nhiều DN chưa triển khai áp dụng SXSH vào sản xuất. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước và trợ giúp, định hướng các DN, cơ sở sản xuất nhằm hướng tới SXSH trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc tham gia thẩm định các thiết kế cơ sở... |
Mỹ Phan