[In trang]
Thúc đẩy phát triển Năng lượng tái tạo Việt Nam
Thứ hai, 23/09/2019
Trong hai ngày 17-18/9/2019, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) và nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) đã tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019.
Trong hai ngày 17-18/9/2019, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) và nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) đã tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019. 

Toàn cảnh buổi khai mạc Tuần lễ năng lượng Việt Nam 2019 diễn ra tại Hà Nội
Được biết, trong vòng một năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính…
Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, rất cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên từ các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương đến các tổ chức phát triển hay khối tài chính, ngân hàng.
Đặt vấn đề về khả năng cung ứng của nguồn năng lượng tái tạo cũng như cơ cấu của nguồn năng lượng này trong hệ thống điện quốc gia, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phát triển năng lượng mặt trời trong 1 năm vừa qua đã nâng công suất lên được gần 5.000 MW là con số rất lớn so với sự phát triển năng lượng chung của thế giới.
Đặc biệt, thời gian này Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, chiến lược này vừa tận dụng được tiềm năng trong nước, vừa thừa hưởng được thành tựu phát triển của khoa học công nghệ thế giới. Chính sách giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo (FIT) được áp dụng cho đến tháng 6/2019 và đang được xây dựng tiếp cơ chế giá này cho một vài năm nữa.
“Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định, nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam chiếm khoảng 10-15% công suất của hệ thống điện quốc gia. Nhiều quốc gia khác do có những đặc điểm khác nhau nên tỷ lệ năng lượng tái tạo còn có thể chiếm đến 30%, thậm chí phấn đấu đến 60 -70% tổng năng lượng của một quốc gia. Với Việt Nam, đến 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000 MW, thì năng lượng tái tạo khoảng 15.000 là vừa", ông Đỗ Đức Quân cho biết.

Ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Vì thế năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống. Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của người dân và chính phủ để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Tại buổi hội thảo với chủ để "Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế", nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã có những trao đổi sôi nổi, thẳng thắn về hiện trạng phát triển cũng như khả năng chuyển dịch hệ thống điện của Việt Nam hiện nay. Nội dung buổi thảo luận tập trung làm rõ và trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thể làm gì để đáp ứng được xu thế chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ như hiện nay? Việt Nam có thể học hỏi được gì từ các bài học kinh nghiệm chuyển dịch thành công của bạn bè quốc tế?
Tuấn Vũ