Ngành dệt may: Tiến gần hơn mục tiêu phát triển bền vững
Thứ ba, 10/09/2019
Lộ trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngành dệt may do Bộ Công Thương xây dựng đang được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi và đánh giá cao. Về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT).
Lộ trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngành dệt may do Bộ Công Thương xây dựng đang được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi và đánh giá cao. Về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT).
VIOIT đang thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, xây dựng lộ trình về đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành công nghiệp dệt may”. Ông có thể cho biết một số nét về hiện trạng công nghệ của ngành dệt may?
Công nghệ sản xuất ngành dệt may có sự phân hóa rõ rệt. Với ngành may, tốc độ đổi mới cũng khá nhanh. Hiện có khoảng trên 90% máy móc, thiết bị được đổi mới, trong đó khoảng 40% máy móc chất lượng cao, tự động hóa sản xuất. Khá nhiều cơ sở sử dụng CAD/CAM trong khâu thiết kế kỹ thuật và giác sơ đồ. Tỷ lệ sử dụng thiết bị may, cắt, vận chuyển nội chuyền, thiết bị hoàn tất chuyên dùng tự động khá cao.
Cần tiếp tục đổi mới công nghệ của ngành dệt
Ngược lại với ngành may, trình độ công nghệ của ngành dệt được đánh giá ở mức trung bình, chỉ có công nghệ dệt kim được đánh giá ở mức khá hơn so với công nghệ dệt thoi. Tốc độ đổi mới công nghệ của ngành dệt khá chậm. Nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ đã được nhập trên 15 năm, chất lượng xuống cấp và năng suất thấp, tiêu thụ điện năng lớn, có những máy hiệu suất sử dụng rất thấp. Thực tế này dẫn đến năng suất dệt vải của Việt Nam rất thấp.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được nhận định là yếu tố tác động mạnh mẽ, đòi hỏi ngành dệt may phải đổi mới công nghệ sản xuất nhằm bắt nhịp được với sự thay đổi của ngành dệt may thế giới. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
CMCN 4.0 và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều mang lại cơ hội lớn, tuy nhiên cùng đó là thách thức không nhỏ. CMCN 4.0 với trình độ công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao, kết hợp với sự phát triển internet kết nối vạn vật (IoT) và điện toán đám mây sẽ giúp ngành dệt may đổi mới công nghệ, ứng dụng được nhiều tiến bộ kỹ thuật và sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tự động hóa và sử dụng robot trong nhiều khâu sản xuất của ngành dệt may, đặc biệt là áp dụng vào các khâu kỹ thuật khó và lặp đi lặp lại sẽ giúp cho ngành tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm…
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo áp lực không nhỏ cho DN bởi cần một số lượng vốn lớn cho đổi mới công nghệ. Ngoài ra, vấn đề giải quyết lao động dôi dư cũng là một thách thức đối với ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may. Mặt khác, vấn đề dịch chuyển việc làm, chẳng hạn như trước đây, các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Hàn Quốc… do thiếu lao động phải đặt nhà máy tại các nước đang phát triển thì với CMCN 4.0, sản xuất bằng robot và tự động hóa ở nhiều khâu, họ có thể cân nhắc đưa sản xuất về trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến ngành dệt may nước ta.
TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu máy móc, công nghệ với giá thành rẻ hơn từ đó nâng cao năng lực sản xuất cho ngành dệt may. Tuy nhiên, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị gia tăng đòi hỏi đầu tư vào dệt - nhuộm - hoàn tất trong khi đây lại là khâu khá yếu của ngành. Hơn nữa, có địa phương không mặn mà với dự án trong lĩnh vực này. Do vậy, đây cũng là những trở ngại lớn.
Với những khó khăn trên, trong lộ trình đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành dệt may, VIOIT đề xuất những giải pháp nào, thưa ông?
Để hỗ trợ ngành dệt may vượt qua những thách thức này, VIOIT đang thực hiện Đề án “Rà soát, xây dựng lộ trình về đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành công nghiệp dệt may”.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, công nghệ của ngành cơ bản đạt mức tiên tiến so với các quốc gia trong khu vực; đến năm 2030, hầu hết các DN làm chủ được công nghệ sản xuất, về cơ bản loại bỏ hoàn toàn thiết bị lạc hậu.
Để thực hiện lộ trình, VIOIT sẽ đề xuất hệ thống giải pháp khá toàn diện từ chính sách hỗ trợ, vốn, đào tạo nhân lực, xúc tiến đầu tư… Đây cũng đồng thời là những giải pháp thiết thực giúp các DN dệt may thuận lợi hơn trong đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng.
Về vốn, cần đa dạng hóa nguồn vốn và thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động đổi mới công nghệ; hỗ trợ DN vay được vốn vay ưu đãi; hoàn thiện quy chế hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giúp cho DN tiếp cận được dễ dàng và thuận tiện hơn.
Với đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động đổi mới công nghệ, cần sự hỗ trợ của nhà nước và tăng cường, khuyến khích thuê chuyên gia nước ngoài để đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho các dự án sản xuất sản phẩm mới; tăng cường phối hợp giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước và nhà cung cấp…
Xin cảm ơn ông!
Xây dựng lộ trình đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành dệt may là nhiệm vụ trong Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025”. |
Báo Công Thương