Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn
Thứ sáu, 23/08/2019
Hiện nay, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị tại một số quốc gia trên thế giới đã mang lại hiệu quả lớn.
Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị tại một số quốc gia trên thế giới đã mang lại hiệu quả lớn.
Nhiều cửa hàng tại Việt Nam đang dùng túi giấy thay vì túi ni lông dùng 1 lần.
Cùng với việc tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam đang ngày càng lớn với thành phần ngày càng phức tạp. Hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn là vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương.
Ngoài việc tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, tìm giải pháp xử lý và tiêu hủy chất thải rắn ngoài môi trường hiện nay, việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu không thân thiện môi trường hay không thể tái sử dụng cũng là một khía cạnh quan trọng trong bài toán về chất thải rắn.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, nhiều quán cà phê, trà sữa, quán ăn đang có xu hướng giảm thiểu hoặc loại bỏ các ống hút nhựa, cốc nhựa,… dùng 1 lần, thay vào đó là các sản phẩm thân thiện với môi trường được làm từ giấy, tre, gạo... Hay nhiều cửa hàng quần áo, cửa hàng tiện lợi, siêu thị đã dùng túi vải thay vì túi ni lông dùng 1 lần.
Thực tế, sau nhiều năm phát động phong trào, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhiều người Việt đang bắt đầu sở hữu tư duy ‘sống xanh’ và hiện đại. Họ có xu hướng dần thay đổi thói quen sinh hoạt để góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường.
Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ‘xanh’ hay các sản phẩm tái chế (CE), và đang được bộ phận người tiêu dùng đón nhận, mặc dù thị trường còn rất nhỏ.
Đồng thời, một số bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Y tế vào tháng 7 vừa qua cũng đã ban hành các chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong các đơn vị mà các Bộ quản lý.
Cách tiếp cận mới
“Coi rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”, đây là cách tiếp cận mới trong quản lý mà Bộ Tài nguyên và môi trường đã đưa ra tại hội thảo quốc tế ‘Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn’ mới đây, nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn được thải ra môi trường.
Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải bỏ, kinh tế tuần hoàn hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới và chi phí xử lý chất thải. Vì vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng tái sử dụng các phế liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiện nay, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị tại một số quốc gia trên thế giới đã mang lại hiệu quả lớn.
Ông Sunil Herat, Phó Giáo sư về quản lý chất thải của Trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng thuộc Đại học Griffith (Brisbane, Australia) cho rằng, việc tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và chất thải là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển.
Cách tiếp cận 3R (3R - tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu) là một công cụ chính sách quan trọng để đạt được kết quả này. Một số nước đã áp dụng chiến lược 3R quốc gia và các luật, quy định, các chương trình có liên quan.
Adidas Parley được tạo ra từ các chai nhựa tái chế. (Nguồn: Adidas)
Ông Sunil Herat khuyến nghị, để hỗ trợ cho nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta có thể tăng thời gian sử dụng của sản phẩm thông qua việc thuê dịch vụ của nhà sản xuất thay vì mua sắm; giảm việc sử dụng các vật liệu độc hại hoặc khó tái chế; tạo thị trường cho vật liệu tái chế. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp trao đổi các sản phẩm phụ để ngăn chặn chúng trở thành chất thải (công nghiệp cộng sinh).
Ông Jorg Ruger, phụ trách ban Môi trường của Đại sứ quán Đức cho biết, Việt Nam hiện ở tình trạng giống Đức năm 1972 khi nước này có 50.000 bãi chôn lấp rác. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy hệ luy nghiêm trọng từ việc chôn lấp, Đức đã thực hiện nghiêm quy định phân loại rác tại nguồn, tái chế rác và chỉ cho chôn lấp những loại rác không thể tái sử dụng. Đồng thời, người gây ô nhiễm phải trả tiền; mỗi cá nhân, tổ chức phải đóng phí tùy theo mức độ xả rác.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Tiến sỹ Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, lượng rác thải chôn lấp ở nước này giảm từ 96% xuống còn 13% trong giai đoạn năm 1982 - 2013, đồng thời tỷ lệ tái chế tăng mạnh. "Chúng tôi đã ban hành đạo luật khung về tuần hoàn tài nguyên, trong đó quy định mức phí chôn lấp rác cao với mục đích khuyến khích tái chế rác", theo ông Kim In Hwan.
Chiến lược giảm thiểu chất thải của Hàn Quốc bao gồm hệ thống thu phí dựa trên khối lượng, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, vật liệu đóng gói, không cung cấp miễn phí các đồ dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm; giới hạn không gian trống sau khi đóng gói và số lớp đóng gói trong hộp; các gia đình phải mua các túi chỉ để đựng rác theo phân loại, tập kết ở nơi thu gom nên hạn chế được lượng rác thải.
"Nhà nào xả rác nhiều thì phải mua nhiều túi. Tương tự, các nhà sản xuất cũng được giao trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm của mình. Đơn vị nào không thực hiện sẽ bị áp chế tài với phụ phí lên tới 30%", theo ông Kim In Hwan.
Tình trạng báo động về chất thải rắn
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và môi trường, trung bình mỗi năm, Việt Nam có tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn; chất thải rắn công nghiệp 8,1 triệu tấn và khoảng 800.000 tấn chất thải nguy hại.
Chất thải rắn sinh hoạt đô thị vào năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010. Dự báo, năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần so với năm 2010.
Bình quân chất thải rắn/đầu người vào năm 2009 là 0,95kg/người/ngày, sẽ tăng lên l,6kg/người/ngày vào năm 2025.
Đáng chú ý là tình trạng rác thải nhựa ở các thành phố lớn. Như TP.HCM có khoảng 250.000 tấn/ năm, trong đó 48.000 tấn chôn xuống đất và có khoảng 200.000 tấn tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam là một trong 4 nước phát sinh rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, với số lượng 280.000 tấn/ năm; trong đó 70% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp dẫn đến tốn diện tích đất và gây ô nhiễm môi trường.
Theo The Leader