Quản lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn
Thứ hai, 19/08/2019
Ngày 14/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Ngày 14/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Tham gia hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hàn Quốc, Đại học Griffith của Australia, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức, Đại sứ quán Nauy, Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Phần Lan, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới - WWF, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO); Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường...
Chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010, dự đoán năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần của năm 2010. Bình quân chất thải rắn/đầu người tăng (0,95kg/người/ngày năm 2009 lên 1,6kg/người/ngày năm 2025). Hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn là vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, việc ban hành các chính sách, thể chế trong công tác quản lý chất thải rắn đã từng bước đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, để công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt hiệu quả cao, cần có sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bắt nhịp với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến trên thế giới, cũng như tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý chất thải rắn đô thị. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm đúng mức, có cách tiếp cận mới: “coi rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”
Theo ông Sunil Herat - Phó Giáo sư về quản lý chất thải của trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng thuộc Đại học Griffith (Brisbane, Australia), hiện nay, việc tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và chất thải là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển. Cách tiếp cận 3R (3R - tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu) là một công cụ chính sách quan trọng để đạt được kết quả này. Một số quốc gia đã áp dụng chiến lược 3R quốc gia và các luật, quy định, các chương trình có liên quan.
“Nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế cho nền kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ) trong đó tài nguyên được sử dụng một cách tối đa, từ đó thu được giá trị tối đa từ chúng trong quá trình sử dụng, sau đó phục hồi và tái tạo các sản phẩm và vật liệu tại cuối vòng đời của chúng. Nền kinh tế tuần hoàn giúp cải thiện hiệu suất (sản xuất sạch hơn), cải tiến thiết kế (thiết kế cho sự bền vững), cải thiện chuỗi cung ứng…”, ông Sunil Herat cho hay.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Tiến sỹ Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, với việc áp dụng những chính sách tích cực trong quản lý chất thải nên rác thải chôn lấp ở Hàn Quốc giảm nhanh từ 96% năm 1982 xuống còn 13% vào năm 2013, đồng thời tỷ lệ tái chế tăng mạnh.
Chiến lược giảm thiểu chất thải của Hàn Quốc bao gồm hệ thống thu phí dựa trên khối lượng, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, vật liệu đóng gói, không cung cấp miễn phí các đồ dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm; giới hạn không gian trống sau khi đóng gói và số lớp đóng gói trong hộp; các gia đình phải mua các túi chỉ để đựng rác theo phân loại, tập kết ở nơi thu gom nên hạn chế được lượng rác thải. Đẩy mạnh việc tái chế với mục tiêu đến năm 2025, các rác thải có thể tái chế giảm xuống còn 0%. Tiến sỹ Kim In Hwan cho rằng, để triển khai thành công chiến lược giảm rác thải thì cần sự phối hợp và triển khai bằng các công cụ chính sách cũng như đẩy mạnh truyền thông để có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng.
Theo đại diện của UNIDO, tái chế chất thải, chất thải công nghiệp là một phần của cách tiếp cận của UNIDO theo kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế để có thể tái chế chất thải, chất thải công nghiệp thành nguồn tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín; áp dụng RECP để đảm bảo các hoạt động tái chế “xanh” và an toàn; cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế; tăng cường các điều kiện khung để đảm bảo việc hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế và nền kinh tế tuần hoàn.
Linh Giang