Giải bài toán cho phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam
Thứ năm, 01/08/2019
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) đang là một giải pháp căn cơ và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) đang là một giải pháp căn cơ và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ảnh: VGP/Minh Thi
Tại hội thảo “Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam” do Bộ Công Thương, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức, đã có nhiều ý kiến đóng góp rất giá trị từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp xung quanh việc tìm lời giải cho phát triển ĐMTAM tại Việt Nam.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025 của Bộ Công Thương nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp về phát triển thị trường công nghệ ĐMTAM.
Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, Chính phủ ngày càng nhận thức rõ vai trò của năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong duy trì tăng trưởng kinh tế để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ sức khoẻ cho con người và môi trường. Với điều kiện khí hậu rất tốt cho phát triển điện mặt trời, thì ĐMTAM đang được đánh giá là một giải pháp hiệu quả trước mắt và bền vững.
Chính từ ý nghĩa đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho phát triển ĐMTAM như khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện.
Đặc biệt, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg nêu rõ, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ cho 2 bên mua và bán ĐMTAM, đồng thời tạo động lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào các dự án ĐMTAM.
Theo ông Phương Hoàng Kim, nhờ việc áp dụng cơ chế FiT, trong thời gian vừa qua đã có sự bùng nổ về số lượng các dự án điện mặt trời quy mô lớn, tuy nhiên số lượng các dự án ĐMTAM còn khá hạn chế, chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này. Vì vậy, chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào loại hình điện này, với mục tiêu 100.000 hệ thống sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025.
Theo đánh giá của ông Micheal Greene, Giám đốc USAID Việt Nam, chương trình thúc đẩy ĐMTAM mà Việt Nam đặt ra tuy cao nhưng lại rất khả thi, vì Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và một thị trường thiết bị điện mặt trời đang phát triển. Không như các nhà máy điện mặt trời nối lưới quy mô lớn đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, các hệ thống ĐMTAM có thể được phát triển rộng rãi mà không cần nâng cấp lưới điện phân phối nhiều, do công nghệ này đặc biệt hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh tại chỗ.
Ông Sebastian Paust, Bí thư Thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác phát triển (Đại sứ quán Đức tại Việt Nam) chia sẻ: 70% điện mặt trời của Đức hiện nay đến từ hơn 1,5 triệu hệ thống ĐMTAM. Để hỗ trợ Việt Nam, Chính phủ Đức sẽ thông qua các tổ chức như GIZ và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) hỗ trợ các hoạt động về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai các hoạt động nghiên cứu và chương trình tài trợ thí điểm, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân và hộ gia đình tham gia vào các hoạt động kinh doanh phát triển ĐMTAM.
Dưới góc độ doanh nghiệp, cũng là đơn vị thực hiện phát triển điện mặt trời theo yêu cầu của Chính phủ, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh cho rằng, cần xây dựng tiêu chí ngành cho ĐMTAM như: Xây dựng cơ chế cụ thể cho các nhà đầu tư, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật với thiết bị của điện mặt trời, ban hành các quy định để kiểm tra, giám sát chất lượng thiết bị, đề xuất thành lập đơn vị chức năng để xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực về điện mặt trời…
Về tài chính, Nhà nước có thể ban hành các văn bản khuyến khích các ngân hàng thiết kế gói vay liên quan đến ngành năng lượng mặt trời nói chung và ĐMTAM nói riêng, với các gói vay phù hợp từng đối tượng đầu tư. Đồng thời, hoàn thiện các quy trình, trình tự, thủ tục đấu nối và ký hợp đồng; tiếp nhận và giải quyết yêu cầu bán điện từ dự án ĐMTAM của chủ đầu tư; thanh toán tiền điện đối với dự án ĐMTAM; các hạng mục kiểm tra ban đầu khi đấu nối và trong quá trình vận hành dự án để tạo ra sự thông thoáng, thuận lợi cho các bên tham gia.
Để thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2023/QĐ-BCT, ngày 5/7/2019 gồm 5 hợp phần là: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển ĐMTAM theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; chương trình Chứng chỉ ĐMTAM; xây dựng hệ thống thông tin quản lý và chiến lược truyền thông. Đồng thời, đã xây dựng, hoàn thiện chính sách về ĐMTAM; thực hiện các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho bên lắp đặt ĐMTAM; xây dựng bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm dành cho hệ thống ĐMTAM; triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính và tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về ĐMTAM. |
Minh Thy