[In trang]
TP Hạ Long: Hiện thực hoá mục tiêu "tăng trưởng xanh"
Thứ hai, 22/07/2019
Với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, những năm qua TP Hạ Long đặc biệt quan tâm đầu tư chỉnh trang đô thị, nhằm từng bước xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh.
Với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, những năm qua TP Hạ Long đặc biệt quan tâm đầu tư chỉnh trang đô thị, nhằm từng bước xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh.
Đô thị xanh là giải pháp giúp các thành phố phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường. Đối với TP Hạ Long, một đô thị sôi động, dân số, phương tiện cơ giới ngày càng gia tăng, cùng với đó là sự tác động của biến đổi khí hậu, thì việc xây dựng một đô thị xanh, hiện đại là hướng đi phù hợp với quy luật.

Hạ Long nỗ lực phát triển đô thị xanh - sạch - đẹp.
Xác định rõ điều đó, từ nhiều năm nay, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thành phố luôn quan tâm đến việc cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường. Thành ủy, HĐND thành phố có nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường. UBND thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, đất đai, quy hoạch phát triển bảo vệ rừng, bố trí đủ vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật về môi trường đô thị. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh áp dụng các giải pháp đồng bộ để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, quan tâm kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực; xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong phong trào bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực của cộng đồng, các nhà tài trợ trong và ngoài nước... phục vụ mục tiêu phát triển nhanh.
6 tháng đầu năm nay, thành phố đã phát triển diện tích đất trồng cây xanh công cộng đạt 0,4m2/người tại dải phân cách và cây xanh bóng mát trên QL18; trồng 1.000 cây trên đường Vũ Văn Hiếu, QL18 đoạn từ ngã 3 đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Bãi Cháy. Đồng thời triển khai phong trào “Tết trồng cây” và vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã hội hóa trồng 25.230 cây xanh trên địa bàn. Công tác duy trì chăm sóc cây xanh công viên, vườn tiểu cảnh, cây xanh các tuyến đường được đẩy mạnh. Đến nay, diện tích cây xanh bình quân ở TP Hạ Long đạt 15,31m2/người.
Đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị, thành phố đã bổ sung 54 tuyến thu gom rác trên địa bàn 10 phường (Hà Khẩu, Giếng Đáy, Hà Khánh, Cao Thắng, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hải, Bạch Đằng). Hiện tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 97%, rác thải công nghiệp và y tế đạt 100%, rác thải xây dựng đạt 92%; duy trì tỷ lệ 100% hộ dân dùng nước sạch hợp vệ sinh; 100% số hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết không vứt rác ra đường, duy trì phong trào vệ sinh cuối tuần.
Thành phố cũng đã hoàn thiện 90% dự án thu gom nước thải đường bao biển từ Cột 3 (phường hồng Hải) đến Cột 5 (phường Hồng Hà); đang triển khai đấu thầu các gói thầu (thi công, giám sát) thuộc dự án nước và xử lý nước thải TP Hạ Long thuộc dự án bảo vệ môi trường thành phố (nguồn vốn ODA); lắp đặt 6 container chứa rác tại một số điểm tập kết rác, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, 17 thùng rác tại khu vực ao cá Kênh Đồng, 9 thùng rác trên Vịnh Hạ Long; dịch chuyển 20 điểm tập kết rác thải gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường; xây mới 1 nhà để rác; lắp đặt 4 trạm quan trắc nước thải tự động; vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác tại 2 bãi rác cũ Đèo Sen, Hà Khẩu...

Các hoạt động bảo vệ môi trường biển luôn thu hút sự quan tâm của giới trẻ Hạ Long.
Đặc biệt, thành phố luôn chú trọng triển khai các biện pháp để bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường Vịnh Hạ Long. Thành phố đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp với các đơn vị hoàn thành việc lắp các thiết bị phân ly dầu nước trên tàu du lịch, hệ thống xử lý chất thải tại các điểm tham quan, thay thế phao xốp bằng các vật liệu thân thiện với môi trường... Đồng thời, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường Vịnh từ nguồn thải ven bờ, khu vực giáp ranh; thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, xây dựng trên và ven bờ Vịnh Hạ Long; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tập trung nghiên cứu, ứng dụng các đề tài cấp cơ sở trong công tác quản lý môi trường; khôi phục trồng rừng ngập mặn trên Vịnh Hạ Long; từng bước nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ trong xử lý, bảo vệ môi trường, như thử nghiệm thiết bị hút rác tự động nhằm thu gom rác và xử lý một phần nước lẫn dầu tự động trên Vịnh Hạ Long...
Với những giải pháp phù hợp, hiệu quả cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, công tác bảo vệ môi trường của thành phố tiếp tục có những khởi sắc mới, để Hạ Long ngày càng xanh - sạch - đẹp, xứng tầm là đô thị loại I, thủ phủ của tỉnh.
Hoài Anh