Thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh ở Việt Nam (Bài 4)
Thứ hai, 08/07/2019
Nhằm góp phần đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung, đáp ứng nhu cầu, bảo vệ môi trường và thực hiện hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đang từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo để hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhằm góp phần đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung, đáp ứng nhu cầu, bảo vệ môi trường và thực hiện hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đang từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo để hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bài 4: Mô hình phù hợp - Thúc đẩy phát triển
Loại bỏ "rào cản", thúc đẩy phát triển
Phân tích về những "rào cản" cần loại bỏ để triển khai hiệu quả các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn, chi phí thấp ở Việt Nam, ông Ray McLaughlin, Giám đốc Quỹ vốn thị trường Công ty Mainstream Renewable Power cho biết: Nhiều quốc gia trên thế giới, chính quyền trung ương đặt ra quy hoạch cấp quốc gia, bao gồm ưu tiên dành cho các nhà máy năng lượng tái tạo và lưới điện, còn chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý.
Cánh đồng điện gió xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Phan Thanh Cường
Tuy nhiên, ở Việt Nam "thiếu vắng" những chính sách như vậy cũng như năng lực quản lý của địa phương làm tăng thêm rủi ro phát triển dự án. Cụ thể, phân vùng và cấp giấy phép là những yếu tố chủ chốt để phát triển dự án năng lượng tái tạo, đây sẽ là những rủi ro lớn với dự án nếu các quyết sách của tỉnh không nhất quán với chính sách quốc gia.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lo ngại về "tín nhiệm" của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) do biểu giá điện duy trì ở mức bằng hoặc thấp hơn chi phí phát điện làm suy yếu tình hình tài chính của chính EVN.
Nếu cơ cấu giá hiện nay vẫn được duy trì, EVN sẽ không thể tiếp tục đầu tư thêm chi phí vốn và các nhà đầu tư sẽ e ngại nếu không có bảo lãnh Chính phủ ở mức cao hơn. Ngược lại, điều này làm hạn chế khả năng đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo, hợp đồng mua bán điện (PPA) mẫu cho các dự án điện nối lưới mang lại rủi ro đầu ra quá lớn cho các nhà đầu tư, kể cả các tổ chức đa phương như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Định hướng phát triển ngành năng lượng phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050, ông Đỗ Đức Quân đề xuất, thời gian tới, cần các chính sách phù hợp phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đồng bộ với quy hoạch phát triển hệ thống nhằm tích hợp và giải tỏa công suất nguồn điện; chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo cần được rà soát, xem xét đảm bảo phù hợp với thị trường.
Đồng thời, nâng cấp và mở rộng hệ thống điện, bổ sung các giải pháp kiểm soát hệ thống, dịch vụ phụ trợ nhằm huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo; vận hành ổn định và an toàn hệ thống. Vì vậy, cần có cơ chế, mô hình phù hợp nhằm huy động đa dạng nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nguồn vốn tư nhân trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, cần sự thống nhất trong quản lý từ Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý quy hoạch phát triển điện, quản lý đầu tư, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
"Mô hình" phù hợp cho Việt Nam
Theo ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC, hiện nay, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, quy mô dân số gần 100 triệu người với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Điều kiện về kinh tế càng phát triển và đời sống người dân được cải thiện, kéo theo đó là nhu cầu về năng lượng tiếp tục tăng cao qua các năm. Do đó, tiềm năng và triển vọng phát triển năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng điện mặt trời ở Việt Nam nói riêng rất lớn.
“Nắm bắt xu thế tất yếu, cách đây 4-5 năm, Tập đoàn TTC đã có những bước chuẩn bị chủ động về con người, tiềm lực, công nghệ, tài chính, hợp tác đầu tư… cho các dự án nhà máy điện mặt trời, bên cạnh những lĩnh vực năng lượng khác vốn là thế mạnh như thủy điện và điện sinh khối. Tập đoàn TTC với vai trò tiên phong, hiện đã đi vào vận hành 7 nhà máy, dự kiến đến 2020 sẽ đạt kế hoạch mục tiêu đề ra là 1.000 MW, góp phần tạo ra nguồn năng lượng xanh phục vụ cộng đồng, theo định hướng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”, ông Đặng Văn Thành chia sẻ thêm.
Ông Bernard Casey, Giám đốc phát triển Việt Nam Công ty Mainstream Renewable Power chia sẻ: Hiện Nam Phi cũng giống Việt Nam đang đối mặt với những thách thức và cơ hội trong ngành năng lượng tái tạo khi chỉ có một công ty điện lực thuộc sở hữu nhà nước và tích hợp theo ngành dọc, lưới truyền tải đưa điện năng sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện than đến các trung tâm tải ở cách đó rất xa và đều có nguồn tài nguyên gió và mặt trời dồi dào.
Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng kinh tế, Công ty Điện lực quốc gia Eskom (Nam Phi) không đủ khả năng cung cấp điện, vì vậy, kế hoạch phát triển quốc gia đến năm 2030 của Nam Phi đã đưa ra kế hoạch dài hạn và là yếu tố cốt lõi khi tập trung vào phát triển điện.
Theo đó, Nam Phi đã "vạch ra" lộ trình cho tất cả các dạng năng lượng, giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ sản xuất điện, năng lực mua điện. Dự kiến, phát triển năng lượng giai đoạn 2020-2030, Nam Phi cũng đưa ra khuyến nghị công suất từ nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai nên kết hợp giữa điện mặt trời (8GW), điện gió (11GW), thủy điện quy mô lớn (4,7GW).
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Nhà máy điện TTC Tây Ninh. Ảnh: TTC
Theo ông Nguyễn Thế Hữu, Giám đốc Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), tăng trưởng kinh tế gần đây của Chilê tương đối giống Việt Nam, cả hai quốc gia đều cần xây dựng danh mục sản xuất điện đảm bảo phát triển kinh tế và lựa chọn công nghệ phù hợp. Tuy nhiên, Chilê đã chọn chuyển đổi thoát khỏi phụ thuộc than đá.
Năm 2015, than đá cung cấp 35% điện năng ở Chilê. Trong vòng 15 năm, than đá được loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống và sử dụng điện gió và mặt trời là những nguồn điện thay thế đáng tin cậy. Chilê có mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người cao nhất Mỹ Latinh và nước này đã trải qua một số khủng hoảng năng lượng do thiếu hụt nghiêm trọng sự đa dạng trong cơ cấu nguồn năng lượng và vốn đầu tư cho ngành điện.
Tại Ấn Độ, chi phí xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời đã giảm xuống ngang bằng với các nhà máy nhiệt điện than hiện có. Năm 2017, liên doanh do SoftBank của Nhật Bản đã đầu tư Dự án phát triển điện mặt trời công suất 2GW với đơn giá trung bình là 2,73 Rupee (tương đương 3,8 cent (USD) so với mực hơn 3 rupee của nhà máy nhiệt điện than hiện có.
Tháng 6/2018, Ấn Độ tuyên bố ý định mua 100GW công suất điện mặt trời mới vào năm 2022 và Ấn Độ sẽ là thị trường điện mặt trời lớn thứ 3 thế giới vào năm 2019 sau khi thực hiện bước chuyển đổi mạnh mẽ từ xây mới nhà máy nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo.
“Có thể nói, các quốc gia trên được coi là hình mẫu cho Việt Nam trong quá trình phát triển hệ thống lưới điện, có thể tích hợp một lượng lớn năng lượng tái tạo. Quá trình này sẽ bao gồm việc xây dựng quy tắc nối lưới năng lượng tái tạo; cải thiện dự báo gió và mặt trời; cho phép các nhà phát triển dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nối lưới theo tiêu chuẩn của EVN và tích hợp các công nghệ lưu trữ”, ông Nguyễn Thế Hữu nhấn mạnh.
Theo Thông tấn xã Việt Nam