Điện mặt trời áp mái: Giải pháp hữu ích tận dụng năng lượng
Thứ sáu, 05/07/2019
Trước nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 do lượng điện tiêu thụ của cả nước tăng nhanh (khoảng 10%/năm), việc tận dụng nguồn năng lượng tại chỗ với chi phí đầu tư và bảo trì thấp như hệ thống điện mặt trời áp mái đang được cho là giải pháp hữu ích, khi vừa tận dụng được nguồn năng lượng tại chỗ, vừa giảm chi phí tiền điện, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường...
Trước nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 do lượng điện tiêu thụ của cả nước tăng nhanh (khoảng 10%/năm), việc tận dụng nguồn năng lượng tại chỗ với chi phí đầu tư và bảo trì thấp như hệ thống điện mặt trời áp mái đang được cho là giải pháp hữu ích, khi vừa tận dụng được nguồn năng lượng tại chỗ, vừa giảm chi phí tiền điện, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường...
Lắp đặt điện mặt trời áp mái cho khách hàng ở TP Móng Cái.
Theo tính toán của ngành Điện, với tấm pin mặt trời thông dụng có công suất 320Wp, diện tích khoảng 2m2, nếu diện tích mái nhà khoảng 20m2 thì có thể lắp đặt được 10 tấm, công suất điện cực đại thu được khoảng trên 3kWp (chi phí khoảng 60 triệu đồng), đủ dùng cho các thiết bị điện thông dụng trong một gia đình. Diện tích mái nhà rộng bao nhiêu thì có thể lắp đặt công suất lớn bấy nhiêu. Tùy theo mức độ sử dụng, lượng điện thừa sẽ phát lên lưới và ngành Điện sẽ mua lại với mức giá 2.134 đồng/kWh. Trong trường hợp sử dụng nhiều thiết bị điện vượt quá công suất của điện mặt trời, thì hệ thống điện sẽ tự động lấy điện từ nguồn điện lưới quốc gia để bù vào. Nếu một hộ sử dụng điện quốc gia khoảng 500kWh/tháng, nhưng khi có điện mặt trời áp mái với công suất khoảng 5kWp sẽ giảm sử dụng lượng điện quốc gia khoảng một nửa, giúp tránh lượng điện rơi vào những bậc thang lũy tiến giá cao, tương đương với việc giảm chi phí tiền điện hàng tháng. Vì vậy, ở những khu vực có lượng bức xạ lớn là miền Trung và miền Nam, hiện đã có khoảng 2.000 hộ dân lắp đặt và sử dụng, dự kiến tăng vọt thời gian tới khi Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BCT về phát triển năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, do số giờ nắng ít (khoảng 3,6-4 giờ/ngày), chi phí lắp đặt ban đầu lớn, chưa được cung cấp nhiều thông tin về lĩnh vực này, nên tại miền Bắc, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, việc phát triển điện mặt trời áp mái vẫn chưa được nhiều người dân và tổ chức quan tâm nhiều. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và nhằm thúc đẩy các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, vừa qua, Xí nghiệp Dịch vụ Điện lực Quảng Ninh đã ký kết hợp tác phát triển và phân phối giải pháp điện năng lượng mặt trời BigK với Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK). Theo cam kết của SolarBK, hiệu suất ngõ ra tấm pin mặt trời của Công ty sau 25 năm lắp đặt vẫn đạt trên 80%, bảo hành 12 năm cho tấm pin, bảo hành 5 năm cho toàn hệ thống. Khách hàng có thể tự theo dõi tất cả thông số hoạt động của hệ thống thông qua phần mềm được cài đặt trên máy tính hoặc các thiết bị di động thông minh.
Cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp Dịch vụ Điện lực Quảng Ninh khảo sát lắp đặt điện mặt trời áp mái cho khách hàng ở TP Uông Bí.
Theo ông Hoàng Văn Bằng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Điện lực Quảng Ninh: Là đơn vị đại diện ngành Điện, Xí nghiệp có nhiều lợi thế trong phát triển điện mặt trời áp mái khi có sẵn nhân lực tại địa phương để thực hiện khảo sát, bảo trì, bảo dưỡng và xử lý sự cố khi cần.
Mặc dù mới được triển khai từ tháng 5/2019, nhưng đến nay đã có 2 khách hàng ký hợp đồng lắp đặt và khoảng 60 khách hàng khác có nhu cầu được tư vấn, khảo sát để ký kết hợp đồng. Ông Phan Quốc Thích (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) nói: "Tôi thấy giải pháp này thực sự hữu ích, chi phí ban đầu không quá lớn cho công suất 2,64kWp, dự kiến sản lượng điện thu được từ nguồn năng lượng mặt trời là 3.200kWh/năm, giúp gia đình có thể tiết kiệm 50% sản lượng điện quốc gia. Với tuổi thọ hệ thống lên tới 25-30 năm, theo tính toán sau 5 năm tôi sẽ thu hồi vốn đầu tư, trong trường hợp sản lượng không đạt được như trên thì đã có gói bảo hiểm đền bù sản lượng bị mất".
Đây mới chỉ là kết quả bước đầu, quá khiêm tốn so với tiềm năng phát triển. Để điện mặt trời áp mái được nhiều người quan tâm, các ban, ngành của tỉnh và ngành Điện cần coi trọng công tác truyền thông tới từng hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức về khả năng đầu tư, thu hồi vốn, lợi ích thiết thực của mô hình này.
Hoàng Nga