Hướng tới sản xuất sạch hơn
Thứ sáu, 28/06/2019
Nhằm hỗ trợ sản phẩm nước mắm Cái Rồng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất sạch hơn, năm 2018, thông qua nguồn Quỹ khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh đã hỗ trợ cho doanh nghiệp 200 triệu đồng để đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất.
Nhằm hỗ trợ sản phẩm nước mắm Cái Rồng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất sạch hơn, năm 2018, thông qua nguồn Quỹ khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh đã hỗ trợ cho doanh nghiệp 200 triệu đồng để đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất.
Nước mắm Cái Rồng sản xuất theo phương pháp truyền thống
Dự án "Đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến nước mắm Cái Rồng" có tổng mức đầu tư 600 triệu đồng; trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng. Dự án nhằm đầu tư cải tiến và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nước mắm có chất lượng cao, hương vị truyền thống, đổi mới mẫu mã sản phẩm, đem lại giá thành hợp lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như môi trường sản xuất, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ông Đào Đức Yêm - Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Thủy sản Cái Rồng - cho biết: Việc đầu tư máy móc, thiết bị tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất sạch hơn là rất cần thiết. Nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn, từ năm 2013, Công ty CP Thủy sản Cái Rồng đã đầu tư nhà xưởng và dây chuyền đóng chai hiện đại; đầu tư nhà kính nhằm tăng nhiệt phơi sản phẩm nước cốt sau khi được chắt lọc; thay đổi quy trình phơi ngấu từ 12 - 16 tháng theo cách truyền thống lên đến 36 tháng. Giải pháp này đã giúp làm bay hơi nước, tinh khiết, nâng cao độ đạm cho sản phẩm.
Tiếp theo, đầu năm 2017, công ty đã đầu tư, đưa hệ thống thiết bị cô đặc nước mắm bằng năng lượng mặt trời, công suất 4.000 lít vào hoạt động. Đây là hệ thống đầu tư nằm trong Dự án đăng ký mã số mã vạch, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nước mắm Cái Rồng do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng; trong đó tỉnh hỗ trợ 502,5 triệu đồng, còn lại do công ty bỏ vốn đầu tư. Công nghệ này sử dụng năng lượng mặt trời tạo dòng nước nóng luân chuyển liên tục qua hệ thống bể mắm, giúp nâng nhiệt cao độ của bể nên thời gian ủ chượp cũng nhanh hơn. Cùng với đó, hệ thống quạt gió giúp đánh tan váng muối, lắng đọng xuống đáy bể nhiều hơn. Nhờ vậy, mắm bớt độ mặn, độ đạm cũng cao hơn và nước mắm có màu đẹp hơn thay vì màu sậm đen như trước đây. "Quan trọng hơn cả, chúng tôi sử dụng nguồn năng lượng sạch trong sản xuất, vừa giảm phát thải khí CO2, vừa nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp" - ông Đào Đức Yêm cho biết.
Đặc biệt, dự án được đầu tư đã giúp hệ thống các bể ướp chượp đậy kín chống côn trùng xâm nhập và mùi hôi của chượp trong quá trình cá phân hủy thoát ra bên ngoài. Dự án cũng góp phần giảm khí thải và các chất thải rắn chủ yếu là than của lò hơi, số xỉ than được tận dụng để làm VLXD. Ngoài ra, khí thải trong quá trình chưng cất nước mắm với công nghệ mới hầu như không đáng kể do việc chưng cất được thực hiện khép kín và ở nhiệt độ thấp dưới 125oC. Bã mắm thải sau khi chiết rút và chưng cất được tập trung vào kho chứa riêng để sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp. Nguồn nước thải chủ yếu là nước rửa nhà xưởng, thiết bị sau chưng cất khoảng 2 - 3m3/ngày đều được tập trung vào bể xử lý nước thải của công ty và được dẫn qua hệ thống ống thoát ra bên ngoài.
Đi đôi với việc sử dụng công nghệ tiên tiến, công ty đang tiến hành xây dựng thương hiệu và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế HACCP đối với nước mắm do công ty sản xuất. |
Thu Hường