[In trang]
Thay đổi thói quen sử dụng, khuyến khích sản xuất sản phẩm bảo vệ môi trường
Thứ năm, 27/06/2019
Các sản phẩm làm từ nhựa với sự tiện lợi, nhanh gọn và đặc biệt giá thành rẻ đã thu hút và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhưng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống và sức khỏe con người.

Các sản phẩm làm từ nhựa với sự tiện lợi, nhanh gọn và đặc biệt giá thành rẻ đã thu hút và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhưng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống và sức khỏe con người.    
Tác động khó kiểm soát
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng nhanh rác thải nhựa chủ yếu là do việc sử dụng túi nilon đã thành thói quen của mỗi người dân vì tính tiện lợi và chi phí - giá thành lại khá rẻ.

Tác hại của nhựa và túi nilon đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Hoài Linh - Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và Phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam) cảnh báo, Việt Nam còn được biết đến là nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy hải sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường- TN&MT) thông tin, mỗi phút trên thế giới có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong đó được xử lý và tái chế. Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra Việt Nam đang xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới tính đến thời điểm năm 2018.
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%.
Đáng nói, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng".
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Trong khi đó, việc tái chế chất thải nhựa của Việt Nam, vẫn chưa phát triển; Chưa có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vi sinh thân thiện với môi trường, có thể phân hủy hoàn toàn; Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp... Bên cạnh đó, Công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) Nguyễn Thành Yên cho biết, Việt Nam vẫn chưa đặt vấn đề quản lý riêng chất thải nhựa, vẫn đặt trong chính sách chung về quản lý chất thải. Vì vậy, cần có cuộc cách mạng về công nghệ, chính sách để loại bỏ chất thải nhựa.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đang nghiên cứu tham mưu bổ sung đưa bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng. Đồng thời tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy, bổ sung quy định túi nilon thân thiện với môi trường là đối tượng được miễn thuế bảo vệ môi trường, ưu đãi cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa.
Dưới góc độ chính sách thuế môi trường, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho rằng, bản chất của vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon nằm ở việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường chứ không phải chính sách thuế.
“Phải khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế như sản phẩm vi sinh thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao gói bằng lá chuối.... Việc tăng thuế bảo vệ môi trường dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề vì điều này không hạn chế được người sản xuất túi nilon. Hơn nữa, tăng thuế bao nhiêu cho đủ? Vì vậy, nên cấm sử dụng triệt để túi nilon. Khi đó, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế” - TS Vũ Đình Ánh bày tỏ.
TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ thêm, mỗi hành động nhỏ như không sử dụng ống hút nhựa hay nước uống chai nhựa dùng một lần đều có thể góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả vào môi trường.
Mới đây, một số siêu thị ở Hà Nội đã không sử dụng túi nilon để gói hàng, thay vào đó là dùng lá chuối. Việc làm này của các siêu thị đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: "Đây là biện pháp thiết thực để hạn chế việc sử dụng và thải rác nilon ra môi trường, góp phần tích cực nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm, thói quen sử dụng túi nilon của các siêu thị và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng".
Thủ tướng kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.  Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện các giải pháp, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm dần việc sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy.
Theo các chuyên gia, để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng túi nilon; khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm vi sinh thân thiện với môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh, có thể phân hủy hoàn toàn.

Việt Anh