Đào tạo nhân lực cho sản xuất bền vững
Thứ ba, 25/06/2019
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm qua ngành Công Thương đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo nhân lực quản lý năng lượng.
"Xanh hóa" các quy trình sản xuất là một nội dung của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của ngành công nghiệp nhằm giảm mức tiêu hao năng lượng, nước và nguyên vật liệu trên một đơn vị sản phẩm. Để thực hiện mục tiêu này, trong những năm qua ngành Công Thương đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo nhân lực quản lý năng lượng. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - xung quanh vấn đề này.
Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp theo hướng "xanh", trong hơn 10 năm qua, Bộ Công Thương đã phát triển đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ nội dung này tại địa phương và doanh nghiệp, kết quả cụ thể như thế nào, thưa bà?
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số chương trình, đề án; trong đó, có tổ chức đào tạo cho 2 đối tượng quan trọng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, gồm: Các cơ sở sản xuất, đặc biệt là cơ sở nằm trong danh sách sử dụng năng lượng trọng điểm; các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn thực hiện kiểm toán năng lượng và đánh giá sản xuất sạch hơn (SXSH) cho cơ sở sản xuất.
Cụ thể, chương trình Đào tạo quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai từ năm 2011. Đến nay, Bộ Công Thương đã đào tạo được hơn 3.000 cán bộ đến từ các doanh nghiệp, trong đó, đa phần là cán bộ của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã triển khai chương trình Đào tạo kiểm toán viên năng lượng cho 300 cán bộ đến từ các đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ năng lượng, các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, được triển khai từ năm 2010 đến nay, chương trình Đào tạo về đánh giá SXSH cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, trung tâm trực thuộc Sở và đơn vị tư vấn tại các địa phương của Bộ Công Thương đã đào tạo được 254 cán bộ, trong đó, có 132 cán bộ được đào tạo nâng cao, trở thành chuyên gia tư vấn về SXSH.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương)
Theo bà, nguồn nhân lực này đã phát huy hiệu quả như thế nào tại địa phương và doanh nghiệp?
Có thể khẳng định, những cán bộ sau khi được đào tạo, cấp chứng chỉ đã trở thành cán bộ nòng cốt của cơ quan quản lý tại các địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc triển khai chương trình, chính sách về SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, đối với cán bộ từ các doanh nghiệp, sau khi được cấp Chứng chỉ Quản lý năng lượng của Bộ Công Thương, sẽ đủ điều kiện để được bổ nhiệm trở thành người quản lý năng lượng tại doanh nghiệp và có nhiệm vụ giúp người đứng đầu doanh nghiệp triển khai các hoạt động, quy định, chính sách về tiết kiệm năng lượng.
Đối với kiểm toán viên năng lượng tại các đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ năng lượng, sẽ hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho doanh nghiệp nhằm phát hiện những khâu lãng phí, tổn thất. Từ đó, đề ra các giải pháp giúp doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu suất dây chuyền sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và vị thế của doanh nghiệp. Theo khảo sát, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong một số ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như: Sắt thép, dệt nhuộm, xi măng, giấy…, tiềm năng tiết kiệm năng lượng đến 30%.
Đối với cán bộ từ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố được đào tạo về SXSH, có trách nhiệm triển khai các chương trình, đề án về SXSH tại địa phương, tham mưu cho lãnh đạo Sở chính sách về sản xuất sạch triển khai trên địa bàn. Đối với các chuyên gia trong lĩnh vực này, sẽ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai những giải pháp về SXSH như: Xử lý nước thải tại doanh nghiệp, giảm thất thoát nguyên vật liệu, thay đổi công nghệ, thiết bị, sử dụng tái chế, hay sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng đầu vào...
Xin bà cho biết, thời gian tới, công tác đào tạo sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào?
Về định hướng thời gian tới, Bộ Công Thương vẫn xác định việc đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn cung cấp dịch vụ năng lượng để triển khai hoạt động, chủ trương, chính sách của nhà nước về SXSH. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo đó, tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, Bộ Công Thương đã đề xuất mục tiêu về đào tạo quản lý năng lượng cho các doanh nhiệp. Mục tiêu đến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ đào tạo 3.000 cán bộ và đến năm 2030, sẽ đào tạo 5.000 cán bộ quản lý năng lượng. Đây sẽ là nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chính sách và giải pháp tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp, góp phần vào các mục tiêu chung của quốc gia trong sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Về chương trình Đào tạo chuyên gia SXSH và chuyên gia kiểm toán năng lượng, đây là hai lĩnh vực có tính chất tương đồng, do vậy, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đang tiến hành triển khai xây dựng bộ giáo trình đào tạo, trong đó gộp hai chương trình thành một bộ giáo trình hoàn thiện. Sau khi hoàn thành, Vụ sẽ trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định để sử dụng giáo trình này trong công tác đào tạo, cấp chứng chỉ kép cho các chuyên gia SXSH và tiết kiệm năng lượng song song với các khóa đào tạo riêng biệt trước đây theo nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp
Xin cảm ơn bà!
Báo Công Thương