[In trang]
Phát triển vật liệu xây dựng không nung: Cần có hướng đi hợp lý
Thứ sáu, 21/06/2019
Với chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) đến 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn đầu tư máy móc và chuyển đổi sản xuất từ gạch đất sét nung (GĐSN). Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc áp dụng VLXDKN vào các công trình còn hạn chế, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Với chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) đến 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn đầu tư máy móc và chuyển đổi sản xuất từ gạch đất sét nung (GĐSN). Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc áp dụng VLXDKN vào các công trình còn hạn chế, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Hoạt động sản xuất gạch không nung của Công ty Cổ phần VLXD Biconsi. Ảnh: CTV
Còn gặp khó
Các chuyên gia cho biết việc sản xuất VLXDKN ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu sẵn có tại nhiều vùng miền ở trong nước (cát, mạt đá...) và chất thải trong sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển VLXDKN, trong đó chủ yếu là gạch không nung (GKN).
Tuy nhiên, dù việc mở rộng, phát triển VLXDKN sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về môi trường, tài nguyên và hiệu quả kinh tế cho đất nước, đồng thời giảm bớt chi phí và rút ngắn thời gian thi công nhưng ghi nhận cho thấy việc triển khai VLXDKN vẫn chưa đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Hass (TX.Tân Uyên), cho rằng cơ chế, chính sách cũng như hành lang pháp lý hiện đã đủ nhưng chưa tạo hiệu quả do thiếu chính sách tín dụng đầu tư, thiếu chính sách kích cầu, chính sách ưu đãi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển GKN nói riêng, VLXDKN nói chung.
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng, trong các chính sách về phát triển VLXDKN thì Chỉ thị 10/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa bổ sung thiết bị và dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXDKN vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm để hưởng ưu đãi. Điều này đã tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào máy móc, thiết bị sản xuất VLXDKN.
Nhiều DN cho rằng, các chính sách về thuế, phí trong danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu đãi chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các DN ngành xây dựng rất ít quan tâm và lập các dự án sản xuất để hưởng ưu đãi, do rào cản hưởng ưu đãi cồng kềnh, thủ tục phức tạp. Lãnh đạo nhiều DN sản xuất, kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh cho biết muốn sản xuất VLXDKN, DN phải đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất GKN hiện đại, công suất lớn, có tính tự động hóa cao chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản… không phải DN nào cũng có đủ điều kiện để đầu tư.
Ông Hiệp cho biết nhằm triển khai việc sử dụng VLXDKN có hiệu quả, Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp kỹ thuật. Theo đó, bộ tiếp tục khuyến khích, sử dụng VLXDKN bằng các chính sách thuế môi trường về sản xuất gạch nung, thuế khai thác và sử dụng đất sét làm gạch nung; xây dựng tiêu chuẩn thiết kế công trình sử dụng VLXDKN đối với gạch bê tông và gạch nhẹ; chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu tường xây bằng gạch bê tông khí chưng áp…
Làm tốt công tác tuyên truyền
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều DN đẩy mạnh sản xuất VLXDKN, có thể kể đến như Công ty Cổ phần Hass, Công ty Cổ phần VLXD Biconsi, Công ty TNHH Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương… với công suất hơn 350 triệu viên/năm. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện sản xuất và đưa vào sử dụng trong công trình còn gặp nhiều khó khăn, như công tác tuyên truyền vận động chủ đầu tư công trình sử dụng GKN còn yếu; công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chưa phù hợp với tình hình thực tế…
Ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Tư vấn Đầu tư Bình Dương (Biconsi), cho rằng để việc sản xuất và sử dụng GKN trong cuộc sống hiệu quả nhất, các bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo các tổ chức tư vấn thiết kế thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về thiết kế công trình, tư vấn cho khách hàng trong việc sử dụng GKN. Đồng thời, các ngành, các cấp cần chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất và sử dụng GKN.
“Ngoài ra, những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho các đơn vị chế tạo thiết bị và sản xuất GKN quy định trong quyết định của Chính phủ cần được hướng dẫn chi tiết, cụ thể, dễ áp dụng vào cuộc sống”, đại diện Công ty TNHH Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương đề xuất.
Bên cạnh đó, do còn thiếu các thông tin về ưu điểm của GKN cũng như thói quen của người sử dụng nên việc tiêu thụ sản phẩm hiện còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng còn mơ hồ về VLXDKN. Việc sử dụng GĐSN đã xuất hiện từ lâu và tạo thành thói quen. Tuy nhiên, do thiếu thông tin về vật liệu mới nên loại vật liệu này còn khá xa lạ so với vật liệu truyền thống. Theo ghi nhận, hiện các sản phẩm VLXDKN chủ yếu được người dân dùng để lót sân, xây hàng rào…
Tại Bình Dương, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 05/2013 về tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất GĐSN trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 08/2018 về tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất, sử dụng GĐSN trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch 1961/2018 về thực hiện lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng GĐSN.
Theo Báo Bình Dương