Xài điện tiết kiệm trong mùa nóng
Thứ ba, 28/05/2019
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, giá điện tăng, người tiêu dùng không còn cách nào khác phải học cách lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện một cách hợp lý và khoa học.
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, giá điện tăng, người tiêu dùng không còn cách nào khác phải học cách lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện một cách hợp lý và khoa học. Thời tiết nóng nực, cộng thêm việc giá điện tăng 8,36% đã khiến hóa đơn tiền điện của số đông gia đình tăng đột biến. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể tiết kiệm điện khi sử dụng các thiết bị, giảm mức tiêu thụ điện năng trong khi vẫn bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tiện nghi cho các thành viên trong gia đình.
Inverter không phải lúc nào cũng hiệu quả
Với một hộ gia đình thông thường, tiền điện mỗi tháng chủ yếu bao gồm từ các nguồn chiếu sáng, máy giặt, quạt máy, máy lạnh, tủ lạnh, tivi, máy tính, bếp điện, ấm đun siêu tốc, bình nước nóng, bơm nước, bàn ủi…
Trong số này, nhóm giữ vai trò chính trong cán cân sử dụng năng lượng tại gia đình là máy lạnh và hệ thống chiếu sáng. Hai nhóm thiết bị này có tổng công suất tiêu thụ điện năng lớn do hoạt động liên tục trong nhiều giờ liền. Vì vậy, việc lựa chọn và sử dụng 2 nhóm thiết bị trên hợp lý sẽ giúp giảm đáng kể chi phí tiền điện hằng tháng cho gia đình.
Với máy lạnh nếu mua mới, người tiêu dùng nên ưu tiên chọn dòng inverter (tiết kiệm điện) từ các hãng có thương hiệu nổi tiếng. Máy lạnh inverter với bộ biến tần có khả năng điều tải tốt hơn, đặc biệt vào ban đêm khi nhiệt độ ngoài trời giảm sẽ ít tốn điện hơn so với các dòng máy không có inverter. Tuy nhiên, nếu gia đình hay sử dụng máy lạnh vào ban ngày, sự khác biệt giữa máy có inverter và không inverter là không nhiều do thời gian này, cả hai loại đều phải chạy ở chế độ gần như tối đa để bù lại lượng nhiệt lớn xâm nhập từ ngoài trời vào.
Người tiêu dùng đua nhau sắm máy lạnh vào những ngày nắng nóng Ảnh: Long Giang
Ngoài ra, khi lựa chọn công suất máy lạnh, các gia đình nên tham khảo ý kiến từ đội ngũ tư vấn, kỹ thuật viên có chuyên môn để chọn được model máy có công suất vừa đủ cho căn phòng của mình, tránh tình trạng lựa máy công suất lớn hơn nhu cầu gây lãng phí không cần thiết.
Đặc thù máy lạnh có công suất tiêu thụ điện lớn, sử dụng liên tục trong nhiều giờ nên nếu vận hành hợp lý sẽ giúp tiết kiệm đáng kể tiền điện hằng tháng. Cụ thể, khi sử dụng nên cài đặt nhiệt độ phòng hợp lý ở mức 25-26 độ C. Không nên cài đặt nhiệt độ phòng quá thấp khiến máy phải luôn hoạt động ở chế độ 100% tải sẽ gây tốn điện không cần thiết. Tránh tình trạng đường gió của dàn lạnh và dàn nóng bị cản trở bởi các vật cản; khi lắp đặt dàn nóng không nên quá gần tường, tấm chắn sẽ làm giảm khả năng giải nhiệt của máy, làm tăng điện năng tiêu thụ. Tận dụng chế độ tắt tự động để cài đặt thời gian chạy máy lạnh trong đêm.
Ngoài ra, nếu sử dụng máy lạnh vào ban ngày, lưu ý kéo rèm che cửa sổ, cửa kính để tránh tình trạng bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp vào phòng gây thêm tải lạnh không cần thiết. Tránh tình trạng rò rỉ, các khe hở lớn làm tổn thất lạnh ra khỏi phòng. Không nên để tủ lạnh, bếp điện, ấm siêu tốc trong phòng có gắn máy lạnh do các thiết bị này tỏa một lượng nhiệt lớn ra xung quanh khiến máy lạnh phải tốn thêm một lượng điện không cần thiết để xử lý lượng nhiệt này.
Đặc biệt, các gia đình cần định kỳ làm vệ sinh dàn lạnh, dàn nóng khoảng 3-6 tháng/lần để duy trì khả năng trao đổi nhiệt tốt của máy (máy lạnh dơ sẽ luôn chạy ở chế độ quá tải, tổn hao lớn điện năng).
Ưu tiên công nghệ LED
Với hệ thống chiếu sáng nên ưu tiên sử dụng đèn công nghệ LED thay cho các đèn huỳnh quang. Bởi đèn LED có công suất tiêu thụ điện thấp hơn đèn huỳnh quang với cùng độ sáng, lượng nhiệt tỏa ra xung quanh cũng ít hơn nên vừa giảm được khá nhiều lượng điện năng tiêu thụ, vừa giảm ảnh hưởng gây nóng cho các không gian trong nhà.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng đang bày bán nhiều loại đèn năng lượng mặt trời có giá thành hợp lý, độ bền và thời gian chiếu sáng tốt, rất phù hợp làm đèn sân vườn, lối đi ngoài trời, chiếu sáng cửa chính. Người sử dụng cần nâng cao ý thức sử dụng, tắt đèn và các thiết bị điện khác khi không có nhu cầu sử dụng. Lắp các cảm biến tự động tại phòng tắm, cầu thang, sân để tự động tắt đèn, quạt khi không có người ra vào.
Khi sử dụng tủ lạnh nên kiểm tra gioăng, nếu bị hở sẽ tiêu tốn thêm điện năng. Không cho đồ ăn nóng vào tủ lạnh, mà phải để nguội hẳn mới cho vào, không nên đóng mở tủ liên tục với thời gian lâu, không đặt tủ lạnh sát tường để nhiệt độ dàn nóng dễ dàng tỏa ra ngoài, không để tủ lạnh gần bếp, không đặt tủ lạnh ở nơi có ánh sáng chiếu vào, luôn điều chỉnh độ lạnh ở vị trí trung bình.
Còn với máy giặt, một trong những đồ dùng tiêu thụ điện năng khá cao nên cần lắp đặt, sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi giặt nên thu gom hết đồ cần giặt, phân loại đồ, chất liệu vải, mức độ bẩn, lượng quy định với chế độ giặt phù hợp. Giặt như vậy sẽ đạt hiệu quả cao, đỡ tốn điện, nước, xà phòng và thời gian. Không nên tăng trọng lượng đồ giặt quá mức quy định. Khi không sử dụng nên tắt điện ngay để tránh tình trạng gây hư hỏng thiết bị hoặc tiêu thụ điện một cách vô ích.
Tiến sĩ Hà Anh Tùng (Trưởng Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa TP HCM)