Xử lý rác thải nhựa ra môi trường
Thứ năm, 16/05/2019
Hiện có khoảng 80.000 tấn rác thải sinh hoạt được đưa ra môi trường cả nước mỗi ngày. Trong đó, 80% được xử lý dưới dạng chôn lấp, phần còn lại được xử lý quay vòng theo dạng tái chế.
Tại buổi ký kết hợp tác giữa Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM tổ chức ngày 15-5, ông Hồ Đức Lam, chủ tịch VPA cho biết tới đây, hai hiệp hội sẽ tổ chức diễn đàn về xử lý rác thải nhựa ra môi trường nhằm thu nhận ý kiến đóng của giới chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong việc xây dựng chính sách trong và ngoài nước, từ đó có cách nhìn tổng quan khoa học về những ảnh hưởng, tác động của sản phẩm, rác thải nhựa đến môi trường thành phố trong thời gian tới.
Theo ông Lam, hiện có khoảng 80.000 tấn rác thải sinh hoạt được đưa ra môi trường cả nước mỗi ngày. Trong đó, 80% được xử lý dưới dạng chôn lấp, phần còn lại được xử lý quay vòng theo dạng tái chế.
Và loại rác thải nhựa được "xả" nhiều nhất hiện nay là bao xốp.
Ông Lam cho hay hiện có khoảng 25.000 tấn/tháng bao xốp được tiêu thụ tại TP.HCM và Hà Nội, Riêng ống hút nhựa được tiêu thụ khoảng 8 tỉ ống (chỉ tính riêng trong ngành sữa)
Bình quân sử dụng nhựa của VN hiện chỉ khoảng 45kg/đầu người, thấp hơn rất nhiều so với 150 kg/đầu người của Thái Lan, hay trên 200 kg/đầu người của Nhật. Dù có mức sử dụng thấp hơn một số nước khá lớn, nhưng VN lại là một trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới hiện nay.
"Nhựa không thể thiếu trong đời sống thường nhật của mỗi con người, nhưng quan trọng là làm sao phải xây dựng được ý thức sử dụng nhựa sao cho hợp lý nhằm giảm thiểu tác hại của nhựa ra môi trường", ông Lam nhấn mạnh.
Ông Lam cũng cho rằng, để tránh tình trạng VN có nguy cơ trở thành điểm "tập kết" rác thải công nghiệp nguy hại đang có xu hướng gia tăng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay phải thực hiện được là cần phân loại rác thải từ đầu nguồn một cách quyết liệt, hiệu quả hơn so với cách làm hiện tại.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định 44/2018/QĐ-UBND về thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố thông qua việc phối hợp cùng với trường học, phối hợp UBND các quận huyện thực hiện trồng cây xanh, tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi trên toàn thành phố…
Hoàng Thùy