[In trang]
Ninh Bình: Sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu sản xuất xi măng - Cơ hội phát triển bền vững
Thứ tư, 08/06/2016
Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chọn Nhà máy xi măng Tam Điệp (thuộc Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam) triển khai thí điểm Dự án sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng ở Việt Nam. Việc triển khai dự án với công nghệ xử lý rác thải rắn tiên tiến của Nhật Bản đã tạo cơ hội phát triển cho các nhà máy xi măng, đồng thời giúp tỉnh ta giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, cải thiện môi trường sống.

Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chọn Nhà máy xi măng Tam Điệp (thuộc Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam) triển khai thí điểm Dự án sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng ở Việt Nam. Việc triển khai dự án với công nghệ xử lý rác thải rắn tiên tiến của Nhật Bản đã tạo cơ hội phát triển cho các nhà máy xi măng, đồng thời giúp tỉnh ta giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, cải thiện môi trường sống.

Sản xuất xi măng là một ngành công nghiệp tiêu hao khá nhiều chất đốt phục vụ cho quá trình nung luyện clinker. Hiện nay, nguồn nhiên liệu truyền thống sử dụng làm chất đốt trong ngành công nghiệp xi măng phổ biến vẫn là than. Do nguồn nguyên liệu than đang dần cạn kiệt, nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang tìm kiếm nguồn năng lượng khác để thay thế, trong đó có việc tận thu nhiệt từ quá trình xử lý rác thải. Việc tận dụng nguồn nhiên liệu sản xuất từ chất thải rắn sẽ góp phần đáng kể vào việc thay thế một phần nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng, giải quyết vấn đề búc xúc hiện nay về nhiên liệu cho các nhà máy xi măng cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Tại Ninh Bình, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là sản xuất xi măng phát triển tương đối mạnh với 6 nhà máy xi măng đang hoạt động. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh, lượng rác thải sinh hoạt ước tính lên đến trên 450 tấn/ngày, lượng rác thải được thu gom và xử lý còn ít, tại thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp đạt tỷ lệ trên 90% nhưng tại các khu vực nông thôn mới đạt 5 - 10%. Chất thải rắn ở hai thành phố và một số thị trấn được thu gom và vận chuyển vào bãi rác Quèn Thờ, Tam Điệp để xử lý, còn lại hầu hết rác thải ở nông thôn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp và xử lý chưa triệt để.

Do đó, việc áp dụng công nghệ sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng là giải pháp hữu ích trong việc giải quyết vấn đề môi trường, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành công nghiệp sản xuất xi măng tại tỉnh Ninh Bình.

Đánh giá về công nghệ xử lý chất thải rắn, tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình, bà Đỗ Thị Tường Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Dự án sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng Việt Nam sử dụng công nghệ do doanh nghiệp Nhật Bản thiết kế, chế tạo. Các chi phí đầu tư thiết bị công nghệ và hướng dẫn lắp đặt, vận hành tại Nhà máy được chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức năng lượng mới và Phát triển công nghệ công nghiệp Nhật Bản (NEDO). Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng của NEDO là công nghệ tiên tiến đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Để triển khai ở Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương có liên quan đã triển khai đánh giá công nghệ làm cơ sở lựa chọn xây dựng mô hình điểm phù hợp.

Đại diện Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam cho biết: Đây là dự án đa lợi ích nhằm góp phần xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương một cách bền vững, đồng thời là cơ hội để Việt Nam xem xét, đánh giá lựa chọn mô hình đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt làm cơ sở nhân rộng trong tương lai. Dự án bố trí tại Nhà máy xi măng Tam Điệp với công suất xử lý 200-300 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm với tổng nguồn vốn từ 250-300 tỷ đồng, trong đó vốn Nhật Bản tài trợ không hoàn lại chiếm 70%, còn lại 30% là vốn tự có và vốn vay ưu đãi của Vicem Tam Điệp.

Công nghệ xử lý chất thải rắn được sử dụng trong dự án là công nghệ khí hóa chất thải rắn ở nhiệt độ thấp làm nhiên liệu thay thế cho lò nung clinker. Toàn bộ dây chuyền công nghệ, thiết bị được thiết kế, chế tạo đồng bộ, điều khiển từ phòng điều khiển trung tâm, đảm bảo độ kiểm soát chặt chẽ quá trình vận hành và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Các công trình từ khâu tiếp nhận, kho chứa và xử lý chất thải rắn được thiết kế dạng buồng kín, duy trì áp suất âm và thu hồi khí gây mùi, đảm bảo không phát tán mùi ra môi trường xung quanh.

Việc sử dụng chất thải rắn làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất xi măng sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Lò nung xi măng sẽ tận dụng được nhiệt năng từ việc đốt cháy các chất thải thay thế, tiết kiệm nhiên liệu cho quá trình đốt. Toàn bộ các chất thải không đốt được trong lò khí hóa đều được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng hoặc tái chế. Các chất thải này sẽ là thành phần phụ gia cho xi măng, trong quá trình thiêu đốt, các chất này sẽ tương tác hoặc kết hợp với nguyên liệu xi măng và không ảnh hưởng đến thành phần xi măng.

Đánh giá về tính khả thi của dự án, đại diện Tổ chức NEDO và các công ty của Nhật được chọn tham gia dự án cho biết: Qua khảo sát sơ bộ, Nhà máy xi măng Tam Điệp hoàn toàn phù hợp với tiêu chí, mục đích, yêu cầu của dự án. Rác thải rắn tại Ninh Bình chủ yếu là rác thải sinh hoạt có thể đưa vào xử lý theo công nghệ của Nhật Bản. Nếu tỉnh Ninh Bình cung cấp đủ và đều đặn trên 200 tấn rác/ngày thì khi đưa dự án vào hoạt động sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho tỉnh và cho Công ty. Đối với Công ty xi măng Tam Điệp, việc tận dụng nguồn nhiên liệu sản xuất từ rác thải sẽ góp một phần đáng kể vào việc thay thế một phần nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng, giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay về nhiên liệu cho các nhà máy xi măng, từ đó tiết kiệm được chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm và tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Còn đối với tỉnh, dự án sẽ tìm ra lời giải cho bài toán chất thải rắn hiện nay, giải quyết phần lớn rác thải phát sinh hàng ngày, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến môi trường xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững.

Việc triển khai thành công dự án không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh mà là mô hình điểm rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi cả nước, mang lại cơ hội phát triển bền vững cho các địa phương.