[In trang]
Sắp có khu công nghiệp không xả thải
Thứ tư, 08/05/2019
Nước thải công nghiệp sau khi xử lý quay trở lại phục vụ sản xuất là ý tưởng hữu ích, táo bạo, nhiều nước đã làm nhưng Việt Nam chưa làm được vì chi phí đầu tư, vận hành quá cao.
Nước thải công nghiệp sau khi xử lý quay trở lại phục vụ sản xuất là ý tưởng hữu ích, táo bạo, nhiều nước đã làm nhưng Việt Nam chưa làm được vì chi phí đầu tư, vận hành quá cao.
Vừa qua, ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là Dũng lò vôi) cho ra mắt nhà máy xử lý nước thải KCN Sóng Thần 2 (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ông Dũng khẳng định nước thải công nghiệp sau xử lý là "nước sạch", có thể quay trở lại các nhà máy để phục vụ sản xuất.
Mô hình tuần hoàn
"Đây là mô mình mới, là ý tưởng táo bạo ở Việt Nam!" - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đánh giá khi trực tiếp khảo sát nhà máy xử lý nước thải của ông Dũng tại KCN Sóng Thần 2 vào ngày 2-5. Trong bối cảnh các KCN lén lút xả thải vượt chuẩn gây ô nhiễm, nguồn nước sạch ngày càng cạn kiệt, bộ trưởng cho rằng ý tưởng của ông Dũng cần được hoan nghênh, đánh giá cao.

Nhà máy xử lý nước thải KCN Sóng Thần 2
Trả lời hàng loạt câu hỏi của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về cách xử lý nước thải tại KCN Sóng Thần 2, ông Dũng trình bày sơ lược rằng mỗi ngày nhà máy tiếp nhận hơn 7.000 m3 nước thải từ các doanh nghiệp (DN) trong KCN. Trong đó có một lượng lớn nước thải ô nhiễm nặng xả ra từ các DN dệt nhuộm, xi mạ… Ông Dũng cho biết các loại nước thải này sẽ được ông cho pha trộn, tương tác lẫn nhau, sau đó dùng vi sinh và một số kỹ thuật đặc biệt để xử lý thành nước sạch phục vụ sản xuất công nghiệp. "Đây là mô hình tuần hoàn nhưng có những ngày DN trong KCN nghỉ làm, nước chúng tôi xử lý xong rồi bị dư nên phải xin phép để cho ra môi trường một ít. Loại nước thoát ra môi trường cũng là nước sạch được quan trắc, giám sát của Sở TN-MT".
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ít nhất 2 lần hỏi thẳng ông Dũng có lắp ống ngầm (để xả thải lén ra môi trường - PV) hay không. Ông Dũng quả quyết không có bất cứ ống ngầm nào vì nhà máy nằm rất xa sông Sài Gòn.
Ngóng "nước sạch" giá rẻ
TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết mô hình của KCN không xả thải nhiều nước đã làm nhưng Việt Nam chưa làm được vì chi phí đầu tư, vận hành quá cao. Còn một kỹ sư chuyên làm công tác xử lý nước thải cho rằng mô hình của ông Dũng chỉ thực sự hiệu quả và có thể nhân rộng nếu giải quyết được 2 vấn đề sau. Thứ nhất, chi phí xử lý nước thải không được quá đắt thì các DN trong KCN mới chấp thuận. Thứ hai, nước thải sau xử lý phải thực sự sạch và được bán lại với giá mềm thì các DN mới chấp nhận mua để phục vụ sản xuất thay vì dùng nước máy. Nếu không giải quyết được 2 vấn đề trên thì phần lớn nước thải sau xử lý vẫn ra môi trường và đặt cơ quan chức năng vào tình thế phải quan trắc, giám sát nước thải liên tục.
Trong khi đó, ông Mao Hoàng Ngân (đại diện Công ty TNHH Dệt nhuộm Tường Long, đơn vị mỗi ngày xả thải hơn 500 m3, đóng trong KCN Sóng Thần 2) nói: "Tôi thấy mô hình KCN không xả thải ra môi trường là mô hình tốt, chi phí xử lý nước thải 30.000 đồng/m3, cao hơn trước đây nhưng chấp nhận được và chúng tôi đã ký hợp đồng với nhà máy xử lý nước thải KCN Sóng Thần 2". Theo ông Ngân, trước đây, công ty ông tốn khoảng 27.000 đồng để xử lý một mét khối nước thải.
Ông Nguyễn Lê Thành, Công ty SunduckVina (dệt nhuộm trong KCN Sóng Thần 2), cũng cho biết công ty đã ký hợp đồng đưa toàn bộ nước thải cho ông Dũng xử lý với giá 30.000 đồng/m3. Trước đây, công ty ông có hệ thống xử lý nước thải bước 1 nhưng hiện hệ thống này đã ngưng hoạt động, sắp tới, công ty có thể dẹp bỏ hệ thống này để tận dụng mặt bằng phục vụ sản xuất. Đó là cái lợi trong việc giao "nước thải gốc" cho chủ đầu tư KCN xử lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết dự kiến nước thải công nghiệp sau khi được xử lý sẽ biến thành "nước sạch" bán cho DN trong KCN với giá mềm để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để DN chấp nhận mua phục vụ sản xuất thì vẫn chờ kiểm nghiệm. Hiện hệ thống đường ống dẫn "nước sạch" của ông Dũng đến các DN đang được đấu nối, chưa được dùng thử. "Chúng tôi nghe nói nước đó sạch, phục vụ sản xuất được nhưng khi nước về, chúng tôi phải kiểm tra lại xem chất lượng có phù hợp với việc sản xuất hay không. Nếu được thì sẽ tiết kiệm tiền mua nước sạch cho công ty"- ông Nguyễn Lê Thành nói.
Đánh giá để nhân rộng
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường kết hợp với Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đánh giá, thẩm định hiệu quả của nhà máy xử lý nước thải KCN Sóng Thần 2. Nếu nhà máy này vận hành tốt, không xảy ra sự cố, nước sau xử lý có thể tuần hoàn phục vụ sản xuất, có hiệu quả kinh tế thì đây là mô hình cần nhân rộng.
Theo Báo Người lao động