[In trang]
Quy hoạch vật liệu xây dựng gắn liền với phát triển bền vững
Thứ bảy, 04/05/2019
Quảng Bình luôn nêu cao quan điểm phát triển vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải bảo đảm tính bền vững trên cơ sở ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Quảng Bình luôn nêu cao quan điểm phát triển vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải bảo đảm tính bền vững trên cơ sở ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta chú trọng công tác quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tăng gấp 2 lần so với năm 2015; nhịp độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 – 2020 đạt khoảng 10 - 12%/năm.
Theo số liệu thống kê từ Sở Xây dựng, tỉnh ta hiện có năng lực sản xuất 4.700 nghìn tấn xi măng; 348 triệu viên vật liệu xây và gần 3 triệu m2 vật liệu lợp/năm. Ngoài ra, theo giấy phép khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh đã đạt tương đương 3,2 triệu m3/năm; năng lực khai thác cát đạt khoảng 460.000 m3; năng lực khai thác đất san lấp đạt khoảng 1.400.000 m3/năm.
Quy hoạch vật liệu xây dựng luôn gắn với sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm đáp ứng cung - cầu.
Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở bê tông cấu kiện với công suất là 290.000 m3/năm và có 1 nhà máy sản xuất gạch ốp lát Ceramic công suất 2,8 triệu m2/năm.Nhìn chung, ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh ta cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng chưa cao, chưa có sự đột phá đáng kể về công nghệ, sản phẩm, chủng loại vật liệu mới.
Ông Lê Minh Châu, Phó trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, theo khảo sát, dự báo đến năm 2020 - 2025, nhu cầu xi măng của tỉnh ta là 1.200 - 1.400 nghìn tấn; nhu cầu vật liệu xây là 405 - 520 triệu viên/năm, vật liệu lợp là gần 2,3 triệu m2, đá xây khoảng từ 1,9 - 2,5 triệu m3 và nhu cầu vật liệu san lấp là 4 - 6 triệu m3.
Ngoài ra, do hệ thống hạ tầng của tỉnh ta hiện nay chưa đồng bộ nên trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 - 2025 vẫn cần một khối lượng lớn các sản phẩm bê tông cấu kiện, bê tông thương phẩm với các chủng loại, như: cột điện, ống cống, bó vỉa hè, giải phân cách, cọc móng, bê tông tươi... phục vụ nhu cầu bê tông trong xây dựng giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước.
Nhằm bảo đảm phát triển vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, lâu dài Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở tính toán bảo đảm cân đối cung cầu đối với sản phẩm vật liệu xây dựng theo từng giai đoạn và phù hợp với thực tế phát triển của từng địa phương; gắn phát triển vật liệu xây dựng với sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; ưu tiên phát triển các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng có thị trường tiêu thụ tốt trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận, trong đó, tập trung vào sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như xi măng và các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường.
Theo đó, đối với xi măng, tỉnh chủ trương phát triển theo “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, đa dạng hoá các sản phẩm bê tông, nâng cao chất lượng bê tông, nghiên cứu sản xuất bê tông mác cao, bê tông bán lắp ghép và các sản phẩm cấu kiện bê tông dự ứng lực, bê tông tươi để phục vụ cho các nhu cầu xây dựng. Riêng đối với vật liệu xây, tỉnh chủ trương duy trì hoạt động các cơ sở sản xuất tuynel có nguồn nguyên liệu ổn định, đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì hoạt động, phát huy hết công suất của các cơ sở sản xuất gạch không nung.
Tỉnh tiếp tục đầu tư các dự án sản xuất gạch không nung thuộc vùng nguyên liệu có sẵn hoặc chưa có dự án đầu tư trên các địa bàn thuộc khu vực các cụm TTCN của huyện Minh Hóa, khu vực các cụm TTCN của huyện Tuyên Hóa, KCN Bắc và Tây Bắc Đồng Hới hoặc các cụm TTCN của TP. Đồng Hới.
Đối với vật liệu lợp, tỉnh chủ trương duy trì hoạt động của các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng và các cơ sở sản xuất ngói xi măng màu hiện có để phục vụ nhu cầu trong tỉnh và các vùng lân cận.
Đồng thời, sẽ đầu tư xây dựng 1 cơ sở sản xuất ngói xi măng cát màu với bề mặt được phủ một lớp sơn màu để bảo vệ và làm tăng độ thẩm mỹ, công suất 0,25 - 0,5 triệu m2/năm với địa điểm dự kiến là khu vực Tiến Hóa hoặc các cụm TTCN của huyện Tuyên Hóa; đầu tư 5 cơ sở sản xuất tấm lợp kim loại 3 lớp (trên cùng là lớp tôn mạ kẽm, lớp giữa là lớp PU cách nhiệt, dưới cùng là lớp tạo trần nhà được làm bằng màng PP hoặc PVC).
Đối với vật liệu đá xây dựng, tỉnh chủ trương ổn định sản xuất và phát huy hết năng lực thiết bị đã đầu tư để đạt sản lượng theo công suất thiết kế đối với các cơ sở khai thác đá hiện có trên địa bàn;căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương để có thể cấp phép thêm các cơ sở khai thác, chế biến đá có công suất phù hợp nhu cầu sử dụng.
Các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường được ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, đối với vật liệu cát, tỉnh sẽ duy trì ổn định công suất các cơ sở khai thác cát xây dựng đã được cấp phép nhằm đáp ứng một phần nhu cầu trong tỉnh; tập trung thăm dò, tìm kiếm các mỏ cát mới, sử dụng các mỏ cát ven biển có chất lượng bảo đảm nhằm đưa vào quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại một số địa phương, như: vùng Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy; kết hợp tận dụng nguồn cát nhiễm mặn từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch trên sông, biển để bù đắp một phần lượng thiếu hụt.
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND ban hành các văn bản, đề xuất và tổ chức hướng dẫn các chính sách liên quan để phát triển ổn định và bền vững ngành vật liệu xây dựng.
Sở cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng; tổ chức rà soát, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Bình, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố cũng cần chủ động phối hợp với Sở Xây dựng quản lý các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn; đồng thời, có trách nhiệm quản lý, thống kê tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn và báo cáo định kỳ về cơ quan chuyên môn nhằm bảo đảm phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng đúng quy hoạch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Theo Báo Quảng Bình