Xanh hóa ngành dệt may
Thứ bảy, 27/04/2019
Tổ chức quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đang triển khai Dự án "Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững".
Tổ chức quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đang triển khai Dự án "Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững".
Dự án kỳ vọng chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam từ ngành có chi phí sản xuất và tiêu chuẩn môi trường thấp trở thành ngành sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Dự án được triển khai từ năm 2018 - 2020, với mục tiêu chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam thông qua tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường.
Biến tần được lắp tại các quạt thông gió hệ thống điều hòa của nhà máy sợi thuộc Hanosimex
Dự án sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, khuyến khích họ chủ động tham gia; tạo cơ hội thảo luận về kế hoạch hành động chung nhằm đầu tư và phát triển ngành dệt may bền vững. Đồng thời, dự án nhằm tác động tới các nhà đầu tư của ngành dệt may Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững.
Theo Ông Marc Goichot - đại diện của WWF-Greater Mê Kông, đối với WWF, xanh hóa thành công ngành may mặc Việt Nam sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu rộng lớn hơn của tổ chức về quản trị nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây là hai vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới. Về mặt lâu dài, chúng tôi muốn nhìn thấy các nhà máy, khu công nghiệp và các nhân tố quan trọng khác của ngành cùng chủ động giải quyết các rủi ro và tác động, không chỉ trong doanh nghiệp của mình, mà còn quản lý có trách nhiệm những nguồn tài nguyên chung trong toàn ngành.
Hiện dệt may Việt Nam đang xuất khẩu sang 4 thị trường lớn là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và bắt đầu đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường mới như Trung Quốc, Nga, Canada và Australia. Tuy nhiên, sản phẩm dệt may Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn về giá thành, chi phí sản xuất và tiêu chuẩn an toàn môi trường, sức khỏe người lao động.
Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải đang được coi là hàng rào thương mại lớn của ngành dệt may Việt Nam khi xâm nhập thị trường quốc tế. Hiện nay, một số thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu đang có quy định về dán nhãn các-bon, trong đó, yêu cầu các nhà nhập khẩu đáp ứng về mức độ phát thải các-bon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra sản phẩm dệt may.
"Các nghiên cứu cho thấy, ngành dệt may đang chiếm 11% tổng nhu cầu năng lượng trong các ngành kinh tế công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2. Công nghiệp dệt may của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có cường độ sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới, bởi theo tính toán, cứ 1 đồng sản xuất phải mất 1 đồng cho chi phí năng lượng. Có đến gần 200 DN dệt may thuộc diện DN phát thải trọng điểm (tiêu thụ 1.000 tấn CO2 quy đổi). Hiện nay, đa số DN dệt may đã tiếp nhận yêu cầu dán nhãn các-bon trên sản phẩm từ nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng bắt đầu ưu tiên lựa chọn đối tác DN thực hiện" - ông Marc Goichot chia sẻ. Với kinh nghiệm và thông qua dự án, WWF tin có thể giúp Việt Nam tạo ra sự thay đổi tích cực lớn đối với ngành may mặc, giúp xanh hóa ngành may mặc Việt Nam.
Trọng tâm chính của dự án Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó giảm thiểu tác động của ngành tới môi trường. |
Theo Báo Công Thương