Doanh nghiệp cải tiến công nghệ để tiết giảm điện năng
Thứ ba, 02/04/2019
Tiến dần tới sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã có những đầu tư, cải tiến để tiết giảm điện năng và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tiến dần tới sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã có những đầu tư, cải tiến để tiết giảm điện năng và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sản xuất công nghiệp vốn tiêu tốn nhiều điện năng, đặc biệt là đối với các ngành như cơ khí, gang thép…. Để giảm tiêu thụ điện năng, tiến dần tới sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã có những đầu tư, cải tiến để tiết giảm điện năng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tập đoàn Hoà Phát với đặc thù sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó sản xuất gang thép là lĩnh vực sử dụng lớn điện, than…. Thế nhưng, với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy của Tập đoàn đã có thể chủ động nhu cầu sử dụng điện gần 50%, thậm chí lên đến 70%.
Thông tin từ Tập đoàn Hoà Phát cho hay, tập đoàn đã áp dụng công nghệ tuần hoàn khép kín, thân thiện với môi trường. Giải pháp này được áp dụng cho cả hai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Quảng Ngãi. Vốn đầu tư cho các hạng mục về môi trường của thép Hòa Phát chiếm khoảng từ 20-30% tổng vốn đầu tư các dự án.
Theo đại diện Tập đoàn Hoà Phát, tại Khu liên hợp ở Hải Dương, công nghệ lò cao khép kín 100%, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để. Ngoài ra, khu liên hợp lựa chọn công nghệ luyện than cốc thu hồi nhiệt siêu sạch tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, thân thiện với môi trường.
Đây là công nghệ sản xuất than coke sạch thu hồi nhiệt đạt các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch, giảm lượng khí thải nhà kính. Công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện, giúp Hòa Phát chủ động gần 50% nhu cầu điện cho sản xuất.
Với Khu liên hợp sản xuất tại Dung Quất, Quảng Ngãi, dự kiến sản lượng điện tự chủ của Tập đoàn này lên đến 60-70%, đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho Hòa Phát.
Tập đoàn Hoà Phát cũng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý bụi phát sinh trong sản xuất như như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt, xây dựng hệ thống tường bao, trồng cây xanh để chống phát tán bụi, tiêu âm. Lượng bụi chứa sắt thu hồi được trong quá trình luyện gang thép, cán thép đều được tái sử dụng ở các công đoạn sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí vừa cải thiện môi trường làm việc.
Một tập đoàn khác, Tập đoàn Sơn Hà cũng đang rất nỗ lực trong việc tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ trong sản xuất, hướng tới sản xuất sạch hơn. Theo chia sẻ của ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2019, Tập đoàn Sơn Hà không chỉ triển khai sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như sản phẩm thiết bị nước nóng (biến năng lượng mặt trời thành nhiệt năng), Biogas (sản xuất khí đốt từ chất thải gia đình và nông nghiệp)… mà Tập đoàn Sơn Hà còn áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, đạt được kết quả tiết giảm đến 30% chi phí năng lượng cho sản xuất.
Cụ thể, những sáng kiến được doanh nghiệp chủ động áp dụng như những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất, dùng đèn led, bố trí máy móc khoa học, tiến tới lắp đặt điện mặt trời áp mái...
“Chắc chắn các nhà máy của chúng tôi sẽ phủ kín bằng những tấm pin năng lượng mặt trời và hiện đang khẩn trương lắp đặt tại các nhà máy khu vực phía Nam. Sau đó, khi có chính sách giá điện mới, Sơn Hà sẽ tiếp tục lắp đặt trên các nhà máy khu vực phía Bắc để tiết kiệm lượng tiêu thụ điện hơn nữa”, ông Lê Vĩnh Sơn khẳng định.
Theo nhiều chuyên gia và hiệp hội ngành hàng, giá điện tăng cũng là động lực khiến các doanh nghiệp phải tính tới chuyện tiết giảm năng lượng. Song, các doanh nghiệp chủ động đầu tư để tiết giảm điện năng, hướng tới xây dựng một nhà máy sản xuất xanh, về lâu dài sẽ tạo lợi thế.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép là ngành sử dụng năng lượng nhiều, nếu doanh nghiệp tiết giảm được chi phí tiền điện, than nhiều thì sẽ có nhiều cơ hội giảm giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, việc doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất xanh, cũng sẽ giúp hình ảnh của doanh nghiệp đó trong mắt người tiêu dùng trong nước, quốc tế và các đối tác được tốt hơn.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hiện nay, tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp chiếm hơn 47% trong tổng tiêu thụ năng lượng. Và theo đánh giá thì tiềm năng kỹ thuật tiết kiệm điện năng trong hoạt động sản xuất có thể đạt được khoảng từ 20-30%, thậm chí 40% nếu các doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề này và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết bên cạnh việc phát triển năng lượng tái tạo, giải pháp năng lượng xanh cho tương lai đó là tập trung tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, bởi đây là khu vực có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất.
"Việc tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thay vì tìm kiếm nguồn phát năng lượng mới, giải pháp hiệu quả hơn chính là thực hiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả”, ông Vũ nhấn mạnh.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam