[In trang]
Costa Rica triển khai kế hoạch phi carbon hóa nền kinh tế
Thứ bảy, 16/03/2019
Chính phủ Costa Rica vừa triển khai Kế hoạch Quốc gia về Phi carbon hóa giai đoạn 2018 - 2050 với mục đích xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050 và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch để chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado cho biết, phi carbon (CO2) hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm hiện nay và Costa Rica phải là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn thành trọng trách này.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức hàng đầu trong vòng 30 năm tới, là mối đe dọa chính cho tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, chính vì vậy đòi hỏi tất cả mọi tầng lớp tham gia vào cuộc chiến này.
Ông Alvarado nhấn mạnh, Costa Rica mong muốn trở thành một nước có nền kinh tế hiện đại, xanh, không khí thải, là một đất nước hòa nhập, tôn trọng quyền con người và bình đẳng giới.
Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado
Theo kế hoạch trên, 70% xe buýt và taxi ở Costa Rica sẽ hoạt động không phát khí thải vào năm 2035 và đến năm 2050, nước này sẽ có một hệ thống giao thông công cộng xanh, sạch, thay thế các loại xe cá nhân với 100% phương tiện hoạt động không thải khí CO2. Quốc gia Trung Mỹ này cũng sẽ triển khai một mạng lưới nạp tải điện trên toàn quốc với cơ sở hạ tầng phù hợp với quy trình công nghệ không carbon.
Costa Rica cũng đang nỗ lực đạt mục tiêu 100% nguồn điện năng là năng lượng tái tạo vào năm 2030 và điện sẽ là năng lượng chính trong các lĩnh vực giao thông vận tải, dân dụng, thương mại và công nghiệp vào năm 2050. Dự kiến, vào năm 2050 các trung tâm thương mại, chung cư và trụ sở làm việc mới sẽ được thiết kế phù hợp với việc sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch.
Theo Viện Điện lực Costa Rica (ICE), trong năm 2018 nước này tiếp tục dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và đây là năm thứ tư liên tiếp nước này phá kỷ lục về số ngày (312 ngày) sử dụng năng lượng sạch. Thủy điện vẫn là nguồn năng lượng chủ chốt khi cung cấp 73,48% lượng điện tiêu thụ, tiếp đến lần lượt là điện gió (15,84%), nhiệt điện (8,52%), điện sinh khối (0,67%) và điện Mặt trời (0,09%).
Nguồn: Thế giới và Việt Nam