Quảng Ninh: Chấm dứt hoạt động các lò vôi thủ công tại Uông Bí
Thứ sáu, 15/03/2019
Theo Kế hoạch số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016 của UBND tỉnh Quảng ninh, đến 31/12/2018 các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn Quảng Ninh sẽ phải chấm dứt hoạt động.
Theo Kế hoạch số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016 của UBND tỉnh Quảng ninh, đến 31/12/2018 các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn Quảng Ninh sẽ phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, để người dân có thời gian sản xuất, ổn định dịp trước Tết Nguyên đán, tỉnh đã cho phép lùi thời hạn dừng hoạt động đến ngày 31/01/2019 và hoàn thành việc tháo dỡ, khôi phục lại mặt bằng trước ngày 31/3.
Việc chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công là chủ trương đúng, nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ cho người lao động. Chủ trương này đã được Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 507/QĐ-BXD, ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng) quy định rõ, đến năm 2016 loại bỏ ít nhất 50% số lò vôi thủ công gián đoạn trên cả nước; đến năm 2020, xóa bỏ hoàn toàn các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo vệ môi trường.
Trên địa bàn thành phố Uông Bí, có tổng số 51 cơ sở; 68 lò, với 115 ống lò thuộc địa bàn hai phường Phương Đông và Phương Nam, tập trung chủ yếu tại khu vực Vành Kiệu 1, khu Hồng Hà, phường Phương Nam.
Cụ thể, số lò đã dừng trước ngày 31/12/2018 là 26 ống (16 lò), trong đó, đã tháo dỡ 04 lò (05 ống). Số ống lò đã dừng hoạt động trước 31/01/2018 là 40 ống (25 lò), trong đó Trại giam Hang Son có 12 ống lò. Còn đến ngày 19/02/2019 thực hiện kiểm tra đối với các ống lò còn lại thì, số lò dừng hoạt động là 40 ống lò (22 lò); số lò đang ủ lò là 04 ống (02 lò); số ống lò đang hoạt động là 05 ống (03 lò) của 02 cơ sở. UBND thành phố Uông Bí đã kiểm đếm, đo đạc 51/51 cơ sở về kích thước lò để thực hiện hỗ trợ tháo dỡ; đã lập, phê duyệt 48 hồ sơ hỗ trợ tháo dỡ, với tổng số tiền là 9,175 tỷ đồng. Đã chi trả hỗ trợ tháo dỡ 03 lò (04 ống) với số tiền là 501 triệu đồng.
Lò vôi thủ công ở phường Phương Nam (Uông Bí)
Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1460/KH-UBND về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn Quảng Ninh. Thay vào đó, tỉnh sẽ xây dựng và phát triển ngành sản xuất vôi theo hướng công nghiệp hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Trên cơ sở đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí cho biết, thành phố đã sớm có chính sách và hỗ trợ cho các chủ lò vôi cũng như người lao động trong quá trình dừng sản xuất. Ngày 27/10/2017, UBND TP Uông Bí đã phê duyệt đề án hỗ trợ người lao động và các chủ cơ sở sản xuất vôi với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, bao gồm chi phí tháo, dỡ, khôi phục mặt bằng; hỗ trợ cho người lao động và dự phòng.
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII (tháng 12/2018) đã ban hành Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, ngày 28/12/2018, UBND TP Uông Bí đã ban hành Quyết định số 8108/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh đề án hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn TP Uông Bí.
“Song song với việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất và người lao động, TP Uông Bí cũng đã nhiều lần tổ chức đối thoại, vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ về chủ trương của Nhà nước, của tỉnh cũng như những tác động xấu của việc sản xuất vôi thủ công đối với môi trường và sức khoẻ của người dân... Đến nay, nhiều chủ lò vôi cũng đã nhận thức được vấn đề, tự nguyện tháo dỡ, tuy nhiên vẫn còn một số chưa chấp hành thực hiện”, ông Hà nhấn mạnh.
Đối với lượng đá, xít tồn đọng, thành phố sẽ báo cáo tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ chi phí, xác nhận nguồn gốc và cho phép các hộ tự tiêu thụ. Về giải quyết đối với lượng vôi tồn, thành phố đề nghị ngành điện cung cấp điện trở lại cho các hộ thu mua, giúp tiêu thụ hết khối lượng tồn đọng. Bên cạnh đó, Uông Bí sẽ chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội; giao UBND phường Phương Nam định hướng, tổ chức cho các hộ đăng ký chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Thành phố cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh, các cơ quan chức năng đồng hành trong thực hiện chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Theo Báo Đầu tư