[In trang]
Thanh Hóa hướng đến sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
Thứ sáu, 28/12/2018
Ngày 15-9-2017, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.
Ngày 15-9-2017, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.
Sản xuất sạch hơn (SXSH) hiện đang trở thành nhu cầu cấp thiết trong công nghiệp. Không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện SXSH còn là một giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sức khỏe cho người lao động và đưa ngành công nghiệp phát triển bền vững. Tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều đơn vị đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, nghiên cứu tái sử dụng phế phẩm thành những thành phẩm có giá trị, làm “lợi” cho đơn vị và góp phần bảo vệ môi trường.
Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza (KCN Lễ Môn) quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Hằng
Công ty Liên doanh Phân bón Hữu Nghị (TP Thanh Hóa) là đơn vị liên doanh với Nhật Bản. Hiện nay, công ty đang sở hữu công nghệ sản xuất phân bón hiện đại nhất miền Bắc. Đó là công nghệ sản xuất phân bón hóa lỏng urê và tạo hạt bằng hơi nước. Đại diện công ty cho biết: Ưu điểm vượt trội của công nghệ này là sử dụng nhiệt độ, áp suất cao cho các nguyên liệu nóng chảy kết dính với nhau. Do đó không cần sử dụng các chất phụ gia vốn làm chai hóa, bạc màu và ô nhiễm đồng đất. Công nghệ mới này cũng giúp hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón được nâng cao tới 40-60%, đáp ứng tối đa nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng. Toàn bộ hệ thống dây chuyền được vận hành tuần hoàn, khép kín nên có thể tái sử dụng 90% nguồn chất thải, giảm phát thải ra không khí, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.
Hiện nay, toàn tỉnh có 39 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung. Để đáp ứng tiêu chí cạnh tranh về giá thành; đồng thời, tận dụng được nguồn phế thải từ sản xuất đá xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, thay thế một phần nguyên liệu xi măng bằng các thành phần phụ gia khác như bột đá, cát nhân tạo. Công nghệ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 4 - 10% chi phí đầu vào nhưng vẫn bảo đảm chất lượng gạch. Các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung cũng không ngừng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại khác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Bà Viên Thị Hạnh, phó giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Hà Liên, huyện Nông Cống, chia sẻ: Các loại trang thiết bị, dây chuyền máy móc hiện đại, như: Xe nâng, máy xúc, hệ thống máy tự động rung ép thủy lực... đã được đơn vị chủ động đầu tư. Các hệ thống máy móc này được vận hành tuần hoàn, khép kín từ khâu đầu vào nguyên liệu đến ra thành phẩm, giúp giảm số gạch không bảo đảm tiêu chuẩn và tái sử dụng lại để sản xuất. Với quy trình hoạt động này, doanh nghiệp không những tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho chi phí sản xuất mà còn giảm phát thải ra không khí gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế trong thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng chủ động đầu tư các công nghệ sản xuất mới, hiện đại, cải tổ lại quy trình hoạt động để hướng tới SXSH. Điển hình như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Bia Thanh Hóa, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, Công ty CP Nông sản Phú Gia... Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc áp dụng SXSH giúp các doanh nghiệp tiết giảm từ 3 - 10% chi phí nguyên - nhiên vật liệu, giảm từ 20 - 30% tiêu hao nước trong sản xuất.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 2 hội thảo, 6 khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về SXSH cho 150 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc các nhóm ngành: Chế biến thủy, hải sản, nông sản, thực phẩm; dệt may, da giầy; chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ; vật liệu xây dựng, ngành khai khoáng... Tham gia khóa tập huấn này hầu hết là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, trình độ công nghệ và sản xuất thấp, tiềm năng áp dụng SXSH lớn. Thông qua các hội thảo, khóa tập huấn, nhận thức của cán bộ quản lý và các doanh nghiệp đã được cải thiện. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng thực hiện hỗ trợ thực hiện 35 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, 8 đề án trình diễn kỹ thuật mô hình SXSH trong công nghiệp.
Để SXSH được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, ngày 15-9-2017, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về SXSH...
Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc triển khai, áp dụng thực hiện SXSH trên địa bàn tỉnh vẫn gặp những trở ngại nhất định. Hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất còn hạn chế, năng lực tài chính không đủ mạnh nên việc đầu tư công nghệ mới cho SXSH gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và Trung ương rất hạn chế. Với định hướng của ngành công nghiệp tỉnh ta là khuyến khích các dự án SXSH trong công nghiệp theo tiêu chí “tăng trưởng xanh”. Do đó, để thúc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn hiệu quả của SXSH để chủ động trong việc nghiên cứu, áp dụng. Đó không đơn thuần là hành động “vì môi trường” mà còn là chiến lược đầu tư lâu dài, tất yếu cho sản xuất để mang lại sức cạnh tranh cho sản phẩm và hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác rà soát, đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất của từng doanh nghiệp, xử phạt nghiêm minh đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Theo Báo Thanh Hóa