Vĩnh Phúc: Sản xuất sạch hơn tại các làng nghề
Thứ ba, 13/11/2018
Phát triển làng nghề góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại khu vực nông thôn. Để các làng nghề phát triển bền vững, việc đảm bảo môi trường sản xuất là yếu tố then chốt.
Phát triển làng nghề góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại khu vực nông thôn. Để các làng nghề phát triển bền vững, việc đảm bảo môi trường sản xuất là yếu tố then chốt. Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ môi trường sản xuất tại các làng nghề, khuyến khích người dân đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận với gần 20.000 cơ sở đang hoạt động. Trong đó, có 5.000 cơ sở chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản; 5.000 cơ sở thủ công, mỹ nghệ; 4.000 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; 3.000 cơ sở chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; 1.500 cơ sở xây dựng, vận tải nội bộ và 800 cơ sở gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh. Tổng số lao động làm việc tại các làng nghề là hơn 54.000 người, thu nhập trung bình từ 5 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Ảnh minh họa
Xác định việc đảm bảo môi trường sản xuất là yếu tố then chốt để làng nghề phát triển bền vững, tỉnh giao cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, xây dựng khu làng nghề tập trung, đầu tư hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB nhằm sớm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực dân cư; hướng dẫn người dân áp dụng KHKT để giảm thiểu, xử lý chất thải phát sinh trong sản xuất; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề.
Huyện Vĩnh Tường là “thủ phủ” của làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh với 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận gồm: Làng mộc truyền thống Bích Chu, làng mộc truyền thống Thủ Độ, làng mộc truyền thống Vân Hà, làng mộc truyền thống Vân Giang, làng rắn truyền thống Vĩnh Sơn, làng rèn truyền thống Bàn Mạch và làng cơ khí, vận tải đường thủy Việt An. Với số lượng cơ sở sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn, công tác bảo vệ môi trường làng nghề được huyện đặc biệt quan tâm, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Như Thảo, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Tường cho biết: “Để đảm bảo môi trường sản xuất tại các làng nghề, UBND huyện giao phòng phối hợp với các địa phương thực hiện đánh giá tác động môi trường, nhằm cụ thể hóa quy định, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Yêu cầu các cơ sở sản xuất tại làng nghề ký cam kết, tuân thủ quy định đảm bảo môi trường. Thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất theo quy định. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhân rộng điển hình trong sản xuất thân thiện với môi trường tại các làng nghề”.
Là một trong những làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, làng rắn Vĩnh Sơn, ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) có hơn 1.000 hộ dân nuôi rắn, tạo việc làm cho 70% lao động địa phương có thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: “Rắn là động vật cho giá trị kinh tế cao, môi trường nuôi rắn phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Hiện nay, 100% các hộ nuôi rắn đều đầu tư hệ thống chuồng trại bài bản, khép kín. Chất thải của rắn được tận dụng làm phân bón, xác rắn bán cho thương lái làm thuốc, mùi hôi được người dân xử lý bằng chế phẩm sinh học”.
Qua tìm hiểu, được biết, hầu hết các hộ nuôi rắn trên địa bàn xã xây chuồng xa nhà ở, đầu tư hệ thống quạt gió hút mùi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và thực hiện khử mùi 3 lần/tuần, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Để đảm bảo môi trường sản xuất tại các làng nghề trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ GPMB để hoàn thiện khu sản xuất tập trung. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn cho việc hỗ trợ hoạt động sạch hơn tại các làng nghề. Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn cho chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề về vấn đề xử lý chất thải trong sản xuất.
Theo Báo Vĩnh Phúc