[In trang]
Thanh Hóa: DN đầu tư công nghệ sản xuất cát sạch từ sỏi, đá
Thứ hai, 12/11/2018
Trong bối cảnh việc khai thác cát tự nhiên đang gây tác động tiêu cực đến hệ thống sông, cửa biển thì việc đầu tư công nghệ sản xuất cát nhân tạo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Trong bối cảnh việc khai thác cát tự nhiên đang gây tác động tiêu cực đến hệ thống sông, cửa biển thì việc đầu tư công nghệ sản xuất cát nhân tạo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Công ty TNHH xây dựng – thương mại Hà Liên (xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng. Mới đây, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu sỏi, đá để tạo ra sản phẩm cát sạch với chất lượng cao và trở thành đơn vị tiên phong của tỉnh ứng dụng công nghệ này.
Được biết, dây chuyền đi vào hoạt động từ cuối tháng 9/2018, được đầu tư với tổng nguồn vốn gần 14 tỷ đồng, công suất đạt 150.000 tấn/năm, tương đương với 100.000m3/năm. 
Cát nhân tạo (Ảnh minh họa: Gạch Việt)
Đây là dây chuyền sản xuất cát nhân tạo đồng bộ, nguyên liệu đá từ máy cấp nguyên liệu được chuyển vào máy nghiền sơ cấp để tiến hành nghiền thô. Nguyên liệu đá sau khi nghiền thô sẽ được đưa vào máy nghiền thứ cấp để tiến hành nghiền nhỏ, sau đó sẽ qua băng tải chuyển vào máy sàng rung để phân loại, các hạt đá đáp ứng được yêu cầu cỡ hạt nạp liệu của máy sản xuất cát sẽ được đưa vào máy nghiền để chế tạo cát. Các hạt đá không đáp ứng yêu cầu sẽ được chuyển lại máy nghiền thứ cấp để nghiền lại. 
Nguyên liệu đã qua máy nghiền cát chuyển lại máy sàng rung để tiếp tục sàng lọc, các hạt cát sàng lọc đủ độ nhỏ theo tiêu chuẩn sẽ qua băng tải chuyển đến máy rửa để làm sạch trước khi xuất xưởng. 
Đặc biệt, để giảm thiểu khí bụi ra môi trường trong quá trình sản xuất, công ty đã kết hợp thực hiện nhiều biện pháp, như: Đặt dây chuyền sản xuất xa khu dân cư, trồng cây xung quanh khu vực sản xuất, chất thải rắn trong quá trình tạo cát sẽ được sử dụng để nâng cấp đường giao thông.
Bên cạnh đó, thường xuyên bảo dưỡng máy móc thiết bị để giảm thiểu tối đa tiếng ồn; đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy trình nổ mìn tại mỏ, áp dụng các biện pháp chống bụi, dùng các thiết bị phun nước tạo màn sương, hút lọc bụi định kỳ, xác định lượng bụi, khí thải…
Ông Vũ Việt Hồng, Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Do mô hình sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá, sỏi của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Liên được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, các công đoạn sản xuất được tự động hóa đạt hơn 90%, nên giảm thiểu tối đa công lao động phổ thông và giảm tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất”.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp