[In trang]
Phát triển công nghiệp phải gắn liền với bảo vệ môi trường
Thứ bảy, 03/11/2018
Ngày 26/10/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị quảng bá công nghệ, thiết bị, dịch vụ của ngành công nghiệp môi trường với sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này.
Ngày 26/10/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị quảng bá công nghệ, thiết bị, dịch vụ của ngành công nghiệp môi trường với sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam cho biết, Việt Nam đang phát triển nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn phải thừa nhận một thực tế là cùng với tăng trưởng kinh tế, chất lượng môi trường ngày càng kém hơn; ô nhiễm lan rộng, mức độ trầm trọng hơn. 
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Báo Công Thương)
Theo ông Hào, hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hoặc chưa bảo đảm hệ thống xử lý chất thải tập trung, còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để; đa dạng sinh học suy giảm, gây mất cân bằng sinh thái ở nhiều nơi; biến đổi khí hậu kéo theo lũ lụt, triều cường dẫn đến thảm họa, diễn biến phức tạp khó lường, làm cho đời sống của nhân dân ở nhiều vùng còn nhiều khó khăn. Thực tế này đang gây cản trở to lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của đất nước…
Những thách thức đó đòi hỏi Việt Nam phải thật sự nhận thức và hành động, phải xem bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển bền vững và cũng không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường theo kiểu sản xuất trước làm sạch sau.
Hiện tại, ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đang từng bước định hình và phát triển, đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung đó, khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững: Nhiều dịch vụ vệ sinh công nghiệp mang tính chuyên nghiệp tại các nhà máy, công sở… đang thay thế dịch vụ do các đơn vị tự làm trước kia. 
Nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động môi trường đã sản xuất được trong nước như các lò đốt rác, các phương tiện cơ giới thu gom rác (xe hút bụi, xe ép rác), xử lý tái chế rác thải. Đã xuất hiện hàng ngàn doanh nghiệp môi trường chuyên thu gom tái chế chất thải như giấy nhựa, chất thải điện tử, kim loại… Năng lực dịch vụ và sản phẩm của công nghiệp môi trường ngày càng trở nên cạnh tranh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi tình hình thực tế tại đơn vị và những khó khăn vướng mắc gặp phải trong thực tế thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, đơn vị đã nỗ lực đầu tư, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, hạn chế tối đa những tác động xấu từ khai thác, vận chuyển than đến môi trường bằng cách: xử lý nước thải mở và giảm bụi, quản lý chất thải nguy hại, sử dụng bền vững tài nguyên môi trường…
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Hóa chất, Công ty Thanh Tuyền – Quảng Ninh đã chia sẻ về các biện pháp, công nghệ xử lý, bảo vệ môi trường; Đồng thời kiến nghị những chính sách hợp lý thực tiễn hơn nữa để việc quản lý, bảo vệ môi trường ngành Công Thương nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng phát triển, đảm bảo an toàn hơn nữa.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp