[In trang]
Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch
Thứ sáu, 02/11/2018
Chương trình DEPP do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ năm 2017 đến hết tháng 06 năm 2020 với tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 21,6 triệu Cua-ron Đan Mạch, tương đương 3,15 triệu đô la Mỹ.
Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (Chương trình DEPP) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ năm 2017 đến hết tháng 06 năm 2020 với tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 21,6 triệu Cua-ron Đan Mạch, tương đương 3,15 triệu đô la Mỹ. Hiệp định Chương trình DEPP được ký kết giữa đại diện của hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch vào ngày 21 tháng 12 năm 2017.
Mục tiêu của Chương trình DEPP là hỗ trợ triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và ông Thomas Egebo – Quốc Vụ khanh Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch ký biên bản phê duyệt Văn kiện chương trình DEPP
Chương trình được chia thành 03 Hợp phần:
Hợp phần 1: Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn, do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
Mục tiêu của Hợp phần này là tăng cường phát triển bền vững hệ thống năng lượng Việt Nam thông qua triển khai các chính sách và quy hoạch năng lượng, thử nghiệm, xây dựng và phân tích các kịch bản phát triển năng lượng dài hạn có xét đến gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Kết quả đầu ra chính của Hợp phần này là Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019, trong đó cung cấp các kịch bản khác nhau để chuẩn bị cho Quy hoạch Phát triển Điện 8. Ngoài ra, Hợp phần cũng tập trung vào việc nâng cao năng lực của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và các tổ chức tham gia vào công tác quy hoạch ngành điện như Viện Năng lượng về thử nghiệm, xây dựng và phân tích mô hình, tích hợp các kịch bản phát triển ngành điện và năng lượng dài hạn.
Thời vừa gian qua, trong khuôn khổ Hợp phần 1 của dự án, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã triển khai tổ chức các Hội thảo về xây dựng Cẩm nang công nghệ sản xuất điện của Việt Nam; các khóa đào tạo cho các chuyên gia phân tích và chuyên gia vận hành mô hình Balmorel (đã có 75 học viên được cấp chứng nhận hoàn thành các khóa đào tạo này); Thu thập dữ liệu và xây dựng Báo cáo Dự báo giá nhiên liệu, Báo cáo Dự báo nhu cầu năng lượng, trong đó tập trung vào dự báo nhu cầu tiêu thụ điện năng; Thu thập các dữ liệu đầu vào cho mô hình TIMES và mô hình Balmorel, phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019.
Lễ Khởi động Cẩm nang Công nghệ sản xuất điện của Việt Nam
Hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
Mục tiêu của Hợp phần này là tích hợp hiệu quả năng lượng tái tạo vào hệ thống điện Việt Nam thông qua hỗ trợ Cục Điều tiết điện lực trong việc nâng cao năng lực cho Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các Tổng công ty điện lực nhằm gia tăng tỷ trọng các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo kết nối với lưới điện quốc gia theo phương thức có hiệu quả về kinh tế.
Mục tiêu này đạt được thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực dự báo nhu cầu phụ tải và sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo cũng như cải thiện năng lực tính toán nhu cầu và đảm bảo cung cấp các dịch vụ phụ trợ nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống điện cũng như hoạt động hiệu quả của thị trường điện.
Trong khuôn khổ Hợp phần 2 của dự án, Cục Điều tiết điện lực đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Đan Mạch/Châu Âu và Việt Nam về dự báo nhu cầu phụ tải và đảm bảo cung cấp các dịch vụ phụ trợ; Xây dựng Báo cáo khảo sát về cải thiện dự báo phụ tải, Báo cáo khảo sát về các dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện tại Đan Mạch và Việt Nam.
Thảo luận với các chuyên gia nước ngoài
Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp, do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện
Mục tiêu của Hợp phần này là hỗ trợ mở rộng quy mô chuyển đổi sang ngành công nghiệp carbon thấp của các doanh nghiệp công nghiệp trên toàn quốc.
Mục tiêu này đạt được thông qua hợp tác với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững rà soát các quy định cấp quốc gia nhằm cải thiện khung pháp lý về tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp và hỗ trợ cho 02 tỉnh được chọn là Bắc Giang và Đồng Nai nâng cao năng lực thực thi quy định về tiết kiệm năng lượng tại cấp tỉnh.
Chương trình có sự tham gia và hỗ trợ của Cục Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch cũng như các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước.
Làm việc với Cục Năng lượng Đan Mạc và Nhóm tư vấn nước ngoài.
Trong khuôn khổ của Hợp phần 3, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai và hoàn thành Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành; Thu thập số liệu và tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về cải thiện hệ thống báo cáo năng lượng theo Thông tư số 09/2012/TT-BCT; Thu thập số liệu và đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi của Nghị định 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng mở rộng các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trọng điểm; Xây dựng các công cụ hỗ trợ các Sở Công Thương trong việc cải thiện công tác triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương. Trong đó, 02 Sở Công Thương của hai tỉnh Bắc Giang và Đồng Nai được chọn tham gia dự án.
Trong thời gian tới, các đơn vị chủ trì thực hiện các Hợp phần dự án của Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án nhằm ứng dụng các kết quả của dự án trong việc xây dựng các chính sách có liên quan, tăng cường năng lực dự báo nhu cầu phụ tải và sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo cũng như cải thiện năng lực tính toán nhu cầu và đảm bảo cung cấp các dịch vụ phụ trợ nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống điện.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững