Ngày 1 tháng 11 năm 2918, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD) đã phối hợp tổ chức hội thảo "Sử dụng công cụ kinh tế để quản lý không khí, nước, chất thải và tài nguyên biển: bài học kinh nghiệm và bước tiếp theo".
Tham gia hội thảo là đại diện các bộ ban ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng nhiều chuyên gia kinh tế và môi trường đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: “Với tỷ lệ tăng trưởng quốc nội GDP đạt 6,81% trong giai đoạn 2016-2017 và dự kiến 6,83% năm 2018, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích to lớn, việc tăng trưởng kinh tế nhanh cũng gây ra nhiều áp lực đối với môi trương như ô nhiễm không khí, nước và rác thải đô thị. Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam quyết định đi theo xu hướng phát triển nền kinh tế xanh. Hội thảo sẽ mang lại nhiều bài học quý báu cho Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn đảm bảo nguồn lực cho sự phát triển bền vững”.
Mở đầu hội thảo, ông Iso Endo, đại diện ADB đã giới thiệu đến toàn bộ đại biểu tham dự báo cáo về quản lý môi trường theo phương thức tiếp cận thị trường. Theo đó, báo cáo chỉ ra rõ cách thức và kết quả áp dụng một số công cụ kinh tế nhất định vào 3 lĩnh vực quản lý không khí, nước và rác thải.
“Giải pháp kinh tế là một trong số các giải pháp quan trọng của quản lý môi trường, sử dụng sức mạnh của thị trường để bảo vệ tài nguyên, đảm bảo cân bằng sinh thái. Chúng có thể được sử dụng thay thế hoặc bổ sung cho các giải pháp khác. Các giải pháp kinh tế nói chung đều có tính hiệu quả, mềm dẻo, hiệu lực, dễ tiếp cận và dễ xử lý thông tin”, đó là kết luận của đại diện ADB.
Trong quá trình thực hiện báo cáo, các chuyên gia đã tập trung nghiên cứu châu Á, nơi vấn đề ô nhiễm không khí, nước và rác thải là những thách thức về môi trường lớn nhất. Hiệu quả áp dụng các công cụ kinh tế trong lĩnh vực quản lý môi trường tại châu Á cũng được giới thiệu chi tiết tại hội thảo.
Ông Gunnar Kohlin và bà Jessia Coria, Đại học Gothenburg, Thụy Điển, cho biết cơ chế thương mại (cho phép mua bán khí thải carbon) và đánh thuế, phí, lệ phí không mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát không khí, nước và rác thải, ngược lại cơ chế về trợ cấp (cắt trợ cấp cho năng lượng hóa thạch và tăng hỗ trợ tài chính cho năng lượng tái tạo) và cung cấp thông tin, dán nhãn, thỏa thuận tự nguyện lại mang đến kết quả rất tích cực.
Xét trong bối cảnh Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Việc áp dụng các giải pháp kinh tế trong quản lý môi trường ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016”.
Với cam kết nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, cắt giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, Chính phủ Việt Nam đang tích cải thiện điều kiện để việc áp dụng giải pháp kinh tế trong quản lý môi trường dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Ngọc Diệp