[In trang]
Xây dựng chuỗi giá trị khuyến công
Thứ năm, 24/03/2016
Với định hướng thực hiện các đề án mang tính liên kết vùng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) đã nỗ lực thực hiện các đề án điển hình, có sức lan tỏa lớn, nhằm từng bước xây dựng chuỗi giá trị khuyến công.

Với định hướng thực hiện các đề án mang tính liên kết vùng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) đã nỗ lực thực hiện các đề án điển hình, có sức lan tỏa lớn, nhằm từng bước xây dựng chuỗi giá trị khuyến công.

Năm 2015, với nhiệm vụ được giao, trung tâm đã triển khai và hoàn thành nhiều đề án với kết quả khả quan. Cụ thể, thực hiện 5 đề án thuộc nhóm đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho 1.200 học viên, tổng kinh phí hỗ trợ 1,040 tỷ đồng; 7 đề án nhóm tổ chức hội nghị, hội thảo và cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, kinh phí 765 triệu đồng.

Trung tâm cũng thực hiện nhiều hoạt động trong nhóm đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia hội chợ trong và ngoài nước, kinh phí hơn 2,502 tỷ đồng; khảo sát xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2016, kinh phí 424,625 triệu đồng.

Với nội dung tư vấn phát triển công nghiệp, trung tâm hỗ trợ 7 doanh nghiệp cải thiện hiệu suất, nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho cán bộ kỹ thuật, quản lý năng lượng tại huyện Ý Yên và Trực Ninh (Nam Định); tổ chức 1 hội thảo về các giải pháp TKNL cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn các tỉnh phía Bắc…

Đặc biệt, trung tâm đã thực hiện 37 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng thiết bị máy móc vào sản xuất với tổng kinh phí 10,473 tỷ đồng. Đây là một trong hoạt động nổi bật, đạt hiệu quả cao của trung tâm trong năm 2015, khi đã thực hiện các đề án khuyến công có tính liên kết vùng đối với các ngành nghề thế mạnh của các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc như: Dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí.

Tiêu biểu, tại Nam Định nơi có ngành cơ khí phát triển mạnh, trên cơ sở khảo sát nhu cầu, trung tâm đã hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tư thiết bị máy móc, sản xuất sản phẩm cơ khí mới, nhằm phát huy lợi thế ngành nghề của địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, trung tâm phối hợp với Công ty TNHH Hồng Phát (Khu công nghiệp Hòa Xá, TP. Nam Định) thực hiện Đề án xây dựng mô hình trình diễn “Mạ lưới thép bằng hệ thống lò điện liên hoàn”. Sau khi hoạt động ổn định, hệ thống thiết bị sản xuất sẽ đạt 100% công suất với 8.000 tấn sản phẩm/năm. Trong 5 năm, lợi nhuận bình quân đạt được trên 2,868 tỷ đồng/năm, thời gian thu hồi vốn đầu tư khoảng 4 năm. Nhờ có dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất lao động tăng hơn 2 lần, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Trung tâm cũng phối hợp với Công ty TNHH cơ khí Quyết Tiến thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật “Sản xuất máy trộn đảo bê tông liên hoàn”. Sau hơn 6 năm hoạt động, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn. Lợi nhuận bình quân mỗi năm trên 10 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng. Dự án còn giải quyết 200 việc làm cho lao động với mức thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ, tổ chức khảo sát đánh giá nhu cầu thực tế để thành lập các đề án khuyến công mũi nhọn, có tính vùng, liên vùng và các đề án tạo nên chuỗi giá trị khuyến công trong một số ngành, lĩnh vực thế mạnh của phía Bắc. Xây dựng các đề án hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật trong các ngành nghề: Chế biến lâm sản, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, điện, hóa dược, dệt may… Tiếp tục là cầu nối cho việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở CNNT thông qua việc hỗ trợ tham gia hội chợ trong và ngoài nước.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã thực hiện 49 đề án khuyến công tại 12 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với tổng kinh phí thực hiện trên 15.402 triệu đồng.