Sẽ kiểm soát nước thải và khí thải trong sản xuất thép nghiêm ngặt hơn
Thứ năm, 27/09/2018
Ngày 24/9/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép.
Ngày 24/9/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép. Tới tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, ông Trần Văn Thức – Tổng cục phó Tổng cục Môi trường, đại diện các cục, vụ của Bộ TN&MT, đại diện Hiệp hội thép Việt Nam, các doanh nghiệp ngành thép, các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo góp ý Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh đây là dự thảo rất quan trọng.
“Để xây dựng dự thảo Quy chuẩn này, Bộ đã thực hiện 1 năm nay, Bộ chủ trương lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và doanh nghiệp, làm sao để Quy chuẩn vừa đảm bảo phát triển kinh tế mà không hy sinh môi trường, vừa đảm bảo khoa học, thực thi, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bộ TN&MT mong muốn doanh nghiệp cùng chia sẻ, đồng hành, thống nhất vì sự phát triển bền vững đất nước nói chung và ngành thép nói riêng” – Thứ trưởng nói.
Tại hội thảo, ông Trương Mạnh Tuấn, đại diện Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Bộ TN&MT đã báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép. Theo ông Tuấn, so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép năm 2013 (QCVN 52:2013) thì Dự thảo quy chuẩn mới có quy định chặt chẽ hơn, ngưỡng áp dụng cao, số lượng thông số cũng nhiều hơn.
Ông Trương Mạnh Tuấn, đại diện Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Bộ TN&MT báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)
Cụ thể, đối với QCVN 52:2013 chỉ có 12 thông số nhưng Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép có 27 thông số ô nhiễm trong nước thải Khu liên hợp sản xuất gang thép và Cơ sở luyện cán thép để làm cơ sở tính giá trị tối đa cho phép. Quy chuẩn hướng trọng tâm vào nước thải công nghiệp sản xuất thép mà không trộn lẫn các loại nước thải khác.
Đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép cũng chặt chẽ hơn với so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho ngành công nghiệp sản xuất thép năm 2013 (QCVN 51:2013). Theo đó, với QCVN 51:2013 chỉ có 11 thông số làm cơ sở để tính nồng độ tối đa cho phép trong khí thải công nghiệp sản xuất thép. Trong khi đó, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép có đến 15 thông số trong khí thải công nghiệp trong sản xuất thép và khí thải lò vôi thuộc cơ sở sản xuất thép.
Đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép cũng chặt chẽ hơn với so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho ngành công nghiệp sản xuất thép năm 2013 (QCVN 51:2013). Theo đó, với QCVN 51:2013 chỉ có 11 thông số làm cơ sở để tính nồng độ tối đa cho phép trong khí thải công nghiệp sản xuất thép. Trong khi đó, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép có đến 15 thông số trong khí thải công nghiệp trong sản xuất thép và khí thải lò vôi thuộc cơ sở sản xuất thép.
Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp sản xuất thép ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Đánh giá Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép, theo ông Nguyễn Như Dũng, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Dự thảo được xây dựng theo cách tiếp cận hiện đại được áp dụng trên thế giới. Quy chuẩn cũng đã tính đến yếu tố đặc thù công nghệ của các công đoạn sản xuất khác nhau trong ngành công nghiệp gang, thép; các xu hướng về công nghệ, thiết bị của ngành có xét đến yếu tố cụ thể của Việt Nam.
“Tuy vậy, nên xem xét lộ trình áp dụng một cách phù hợp, bổ sung và điều chỉnh đối với chỉ tiêu VOC, chỉ tiêu tổng Dioxin, furans…”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp thép trong cả nước góp ý một số đề xuất cho Dự thảo sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và nước thải công nghiệp sản xuất thép.
Theo đó, cần áp dụng kinh nghiệm các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc về quy định kiểm soát các thông số ô nhiễm trong khí thải công nghiệp sản xuất thép; lập đoàn khảo sát các nhà máy đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam; lộ trình áp dụng phù hợp… từ đó cân nhắc xây dựng quy chuẩn vừa phải để cơ quan quản lý tiếp thu và soạn thảo dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân giao Tổng cục Môi trường tiếp tục lấy thêm các thông số kỹ thuật về môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất thép, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để sớm hoàn thiện dự thảo.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp