Phát triển đô thị thông minh và bền vững tại một số khu vực ở châu Á
Thứ bảy, 01/09/2018
Thị trấn Shioashiya (Nhật Bản); TP. Songdo (Hàn Quốc) và Singapore được đánh giá là 3 đô thị xanh, thông minh nhất châu Á, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát triển kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo môi trường bền vững, mang lại cuộc sống an toàn, lành mạnh cho người dân.
Thị trấn Shioashiya (Nhật Bản); TP. Songdo (Hàn Quốc) và Singapore được đánh giá là 3 đô thị xanh, thông minh nhất châu Á, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát triển kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo môi trường bền vững, mang lại cuộc sống an toàn, lành mạnh cho người dân.
Shioashiya – Thị trấn tiêu hao năng lượng bằng 0
Nằm trong TP. Ashiya thuộc tỉnh Hyogo (Nhật Bản), thị trấn Shioashiya có diện tích 120.000 m2, dân số khoảng 9.000 người với 400 căn nhà riêng và 83 căn hộ chung cư, được thiết kế theo hướng ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT). Mỗi ngôi nhà đều lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái, ắc quy dự trữ điện năng và hệ thống quản lý năng lượng thông minh, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tận dụng tối đa NLTT. Nhờ công nghệ cách nhiệt Puretech và hệ thống thông gió Eco-Navi, giúp cho ngôi nhà luôn mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Mỗi ngôi nhà đều lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái.
Ngoài ra, khu chung cư phức hợp cũng là công trình cân bằng về năng lượng của Shioashiya với việc lắp đặt hệ thống phát điện mặt trời trên tầng thượng cùng các pin nhiên liệu (loại thiết bị năng lượng có mức thải ô nhiễm gần như ” bằng 0″) bên trong căn hộ. Mỗi pin nhiên liệu là một nguồn phát, có thể sinh ra điện từ phản ứng hóa học giữa hyđ ô và ô xy. Nhờ đó, khu chung cư phức hợp có thể sản xuất khoảng 199 Mwh điện/năm, vượt mức nhu cầu tiêu thụ điện của TP và lượng điện thừa được bán cho những địa phương khác, mang lại lợi nhuận hàng năm khoảng 11.700 USD.
Bên cạnh các khu chung cư, Trung tâm cộng đồng Solar-Shima Terrace cũng là một công trình được trang bị hệ thống điện mặt trời, pin dự trữ, giúp tận dụng tối đa năng lượng gió, ánh sáng mặt trời.
Songdo – Khu đô thị nói không với xe tải rác
Songdo (tiếng Hàn có nghĩa là hòn đảo của cây thông) là một khu đô thị hiện đại của Hàn Quốc, được xây dựng từ năm 2003, trên một hòn đảo nhân tạo lấn biển, diện tích khoảng 6 km2, cách thủ đô Seoul khoảng 65 km. Phong cách kiến trúc thân thiện với môi trường là ưu tiên hàng đầu của Songdo và cũng là đặc điểm quan trọng của một TP thông minh, với hệ thống cảm biến được gắn khắp nơi. Hầu hết các cột đèn giao thông ở Songdo đều có camera, bộ cảm biến và những chiếc loa phát thanh. Bộ phận cảm biến có thể tự động điều chỉnh mức điện năng tiêu thụ theo điều kiện thời tiết, ánh sáng, tính toán lưu lượng giao thông để đưa ra quyết định sử dụng điện hiệu quả nhất.
Songdo có nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như trạm sạc pin cho xe điện, hệ thống tái sử dụng nước thông minh, nhưng ấn tượng nhất là hệ thống xử lý rác thải đặc biệt. Tại Songdo, không có xe chở rác chạy trên đường phố, thay vào đó, một hệ thống đường ống nén khí sẽ hút rác từ máng đổ rác của các tòa nhà rồi chuyển tới cơ sở phân loại rác tập trung. Tại đây, rác được xử lý, biến thành năng lượng hoặc đưa đi tái chế. Nhờ hệ thống thu gom chất thải trên, Songdo dự kiến tái chế 76% lượng chất thải trước năm 2020.
Tại đây, rác được xử lý, biến thành năng lượng hoặc đưa đi tái chế.
Đồng thời, Songdo cũng khuyến khích thực hiện giảm thiểu nhu cầu sử dụng ô tô. Các tòa chung cư, văn phòng, công viên, cơ sở y tế, trường học… được thiết kế gần nhau để người dân tiện di chuyển qua các điểm dừng xe buýt, hoặc tàu điện ngầm. Ngoài ra, Songdo bố trí 40% cho các không gian xanh và làn đường dành riêng cho xe đạp để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, giúp giảm khí thải nhà kính.
Tuy đang trong quá trình xây dựng, nhưng Songdo đã có 40.000 cư dân sinh sống và là trụ sở làm việc của 2.600 doanh nghiệp.
Thùng rác kết nối với ống khí nén vận chuyển bên dưới ở TP. Songdo, Hàn Quốc
Singapore – Trung tâm công nghệ thông minh tỷ đô
Những năm qua, Singapore có tốc độ phát triển nhanh, nhờ sự ổn định chính trị, các kế hoạch phát triển dài hạn và chính sách mở cửa thu hút đầu tư. Từ một thuộc địa nhỏ tại Đông Nam Á, giờ đây, Singapore đã trở thành cảng biển, trung tâm lọc dầu, nơi sản xuất đồ điện tử và trung tâm ngân hàng lớn trên thế giới.
Singapore đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống con người như chăm sóc sức khỏe, quản lý đô thị, giao thông, môi trường… Chính phủ Singapore đã cải tạo JTC LaunchPad – khu công nghiệp cũ xuống cấp rộng 6.5 ha thành trung tâm khởi nghiệp sôi động. Tòa nhà đầu tiên mang tên Block 71 là trụ sở hoạt động của hơn 100 startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) công nghệ JTC LaunchPad @ One-North. Các công ty hoạt động trong Block 71 được miễn phí sử dụng wifi, điện nước, đồ ăn. Năm 2010, Chính phủ Singapore đã khởi động Chương trình Technology Incubation Scheme, như một mũi tên trúng hai đích, vừa hỗ trợ các startup mới, vừa thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ thương hiệu “nơi dễ dàng cho kinh doanh”, số lượng startup mới thành lập ở Singapore tăng từ 24.000 lên 55.000 trong giai đoạn 2005 – 2015.
Bên cạnh đó, Singapore đang áp dụng các công nghệ tiên tiến để thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, với mục tiêu trở thành “quốc gia thông minh” đầu tiên trên thế giới. Gần đây, “đảo quốc sư tử” chính thức ra mắt chung cư đầu tiên tích hợp giải pháp công nghệ LifeUp 3 trong 1, bao gồm: Nhà, cộng đồng và thanh toán thông minh đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Khác với các ứng dụng nhà thông minh trước đây, giải pháp công nghệ mới cho phép tích hợp một cách đầy đủ nhất các tính năng nhận diện khuôn mặt, nhận dạng biển xe thông minh, khóa cửa sinh trắc học, điều chỉnh hệ thống ánh sáng, cũng như nhiệt độ điều hòa, nước nóng để tiết kiệm năng lượng… Với tất cả những hoạt động đó, Singapore đang nỗ lực và quyết tâm phát triển đô thị có hệ sinh thái thông minh, không rác thải, trở thành nơi đáng sống cho mọi người dân.
Theo Tạp chí môi trường