Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam
Thứ sáu, 17/08/2018
Ngày 11/8, tại Hà Nội), Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo “Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”.
Ngày 11/8, tại Hà Nội), Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo “Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”.
Vật liệu xây dựng xanh được hiểu là những vật liệu giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, thi công, sử dụng và cả khi phá dỡ công trình. Vật liệu xây dựng xanh phải đảm bảo các điều kiện: không độc hại, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, độc hại của môi trường bên ngoài tới không gian trong phòng như cách âm, cách nhiệt, vòng đời sử dụng lâu dài và có thể tái chế sau khi sử dụng.
Hội thảo là cơ hội để các chủ đầu tư, các chuyên gia, kiến trúc sư và doanh nghiệp cùng tham gia trao đổi về xu hướng, thực trạng công trình xanh - vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam. Đồng thời, đưa ra những phân tích, đánh giá chuyên sâu trong việc áp dụng những giải pháp về VLXD xanh, thân thiện với môi trường trong xây dựng, nhằm kiến tạo nền kiến trúc xanh phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia đánh giá: “Khi một công trình đáp ứng các tiêu chí quan trọng của công trình xanh, trong đó có sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, các cư dân sẽ được thụ hưởng những lợi ích như: tăng 3 - 5% năng suất lao động; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe; giảm 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình. Mặt khác, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch”.
10 năm trở lại đây, thị trường VLXD đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh với sự ra đời của nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn vật liệu xây dựng xanh. Một số doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hàng đầu thế giới vào sản xuất các loại vật liệu xây dựng xanh như: kính tiết kiệm năng lượng, profile uPVC, vật liệu nhôm có thể tái chế, kính siêu trắng gạch bê tông khí chưng áp…Việc xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng xanh đã góp phần hiện thực hóa các kiến trúc công trình xanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, bởi hạn chế do một số rào cản như: lo ngại về chi phí gia tăng, tiêu chuẩn vật liệu xanh chưa được ban hành cụ thể trong các văn bản pháp luật của các cơ quan chức năng…
Tại Hội thảo, các diễn giả và khách mời đã cùng bàn luận nhiều vấn đề của ngành xây dựng xanh như “Đánh giá thực trạng và Đề xuất giải pháp phát triển các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”; “Giới thiệu các tiêu chuẩn vật liệu xanh cho công trình tại Việt Nam”.
Nhiều giải pháp được cung cấp bởi các đối tác lớn đã được giời thiệu trong khuôn khổ hội nghị như: Tiêu chuẩn xanh đã được áp dụng vào hệ thống profile uPVC Koemmerling trên toàn thế giới của hãng Profine (CHLB Đức); Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng NSG - Pilkington của Tập đoàn NSG” và sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn vật liệu xanh của Eurowindow.
Văn phòng SXSH & SXTDBV tổng hợp