Bình Phước: Cần tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất vật liệu xây dựng không ô nhiễm
Thứ tư, 15/08/2018
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Phước có sự tăng trưởng và phát triển rõ rệt.
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Phước có sự tăng trưởng và phát triển rõ rệt. Từ chỗ cung không đủ cầu, đến nay các loại sản phẩm vật liệu xây dựng của tỉnh như xi măng, gạch xây dựng...vừa đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh, vừa cung cấp cho các tỉnh, thành trong khu vực. Nhiều loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng như sét, đá vôi phục vụ sản xuất xi măng; đá và cát phục vụ xây dựng hay đất sét phục vụ sản xuất vật liệu nung đều được thăm dò, khai thác và chế biến theo quy hoạch.
Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Bình Phước hiện đang đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. (Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang)
Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu vật liệu lợp của Bình Phước khoảng 1,75-1,8 triệu m2, cát xây dựng từ 2,17-2,18 triệu m3, đá xây dựng từ 1,37-1,45 triệu m3. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện đang đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020 Bình Phước sẽ nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp vật liệu xây dựng gấp 1,3 lần so với năm 2015. Phương án quy hoạch là phát triển sản xuất xi măng, vật liệu xây, vật liệu lợp và khai thác, chế biến đá xây dựng, cát, bê tông, vật liệu trang trí hoàn thiện và vật liệu san lấp.
Cần đẩy mạnh phát triển sản xuất gạch không nung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa: Internet)
Trong thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tại Bình Phước đã đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa chủng loại. Tuy nhiên, việc khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng còn nhiều tồn tại, hạn chế cũng như để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc, như dân cư sống gần các mỏ khai thác đá, lò đốt gạch phải chịu ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí... Các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở hai bên bờ. Các cơ sở sản xuất đá xây dựng sử dụng thuốc nổ công nghiệp phá đá và máy móc hạng nặng phục vụ chế biến không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi mà còn phát sinh những loại chất thải nguy hại.
Ngoài ra, hoạt động nung gạch sử dụng đất sét và than, củi thải ra khí CO2 độc hại vào môi trường không khí ảnh hưởng sức khỏe nhân dân. Hầu hết các loại chất thải rắn trong quá trình sản xuất vật liệu xây dựng như vụn, bột than, củi, xỉ than, gạch thải loại... chưa được thu gom, xử lý đúng quy cách. Trong khi điểm xử lý rác tại các địa bàn còn thiếu, nhất là đối với chất thải nguy hại thì những loại rác thải trên đang tạo thành một áp lực ngày càng lớn đối với môi trường sống của nhân dân.
Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý vật liệu xây dựng, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng không nung phục vụ xây dựng; vận động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất...để công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong sản xuất vật liệu xây dựng đạt hiệu quả cao hơn.
Văn phòng SXSH & SXTDBV tổng hợp