Phú Yên chỉ thị sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng
Thứ tư, 08/08/2018
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Chỉ thị về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Chỉ thị về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ, không được phép hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung đối với các lò gồm: lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí). Không cấp chủ trương đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung đối với các lò tuynen hay các lò sử dụng công nghệ tiên tiến khác để sản xuất gạch, ngói đất sét nung.
Sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng bao gồm các loại như: gạch bê tông; vật liệu nhẹ (gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt; các chủng loại trên có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1000 kg/m3); tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ; gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp; gạch silicát. Các sản phẩm vật liệu không nung trên phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ: tối thiểu 70% tại các đô thị từ loại III trở lên và tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.
Ngoài ra, các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng theo dõi hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn các quy định cưỡng chế, tháo dỡ các lò sản xuất gạch, ngói đất sét nung không được phép hoạt động theo quy định. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; sản xuất vật liệu xây không nung áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng trực thuộc Sở, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị này, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định hiện hành. Chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường giám sát, kiểm tra việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, đảm bảo tuân thủ quy định Chỉ thị và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tổ chức xây dựng và công bố đơn giá xây dựng công trình sử dụng vật liệu xây không nung trên cơ sở định mức Bộ Xây dựng đã ban hành để các tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung có dấu hiệu vi phạm môi trường, khai thác đất, đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói nung trái phép, để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định hiện hành. Rà soát tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch, ngói nung lên mức tối đa.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, không để xảy ra tình trạng các lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền vận động và giải thích pháp luật cho nhân dân trong việc không được phép san gạt đồng ruộng để cung cấp nguồn đất sét cho các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung, khi cần thiết cải tạo đồng ruộng thì phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp phép. Đồng thời có biện pháp kiên quyết trong việc kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm. Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung đầu tư vào địa bàn và được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước hiện hành và các ưu đãi của địa phương.
Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung nghiêm túc thực hiện các quy định của các cơ quan Nhà nước trong hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung. Không được sử dụng các loại đất để sản xuất gạch, ngói nung như: đất sản xuất nông nghiệp, đất trong phạm vi các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất thuộc phạm vi bảo vệ hành lang đường giao thông, đê, kè, cầu, cống, đường sắt, đường điện cao thế.
Văn phòng SXSH & SXTDBV tổng hợp