[In trang]
Ngành thép: Đổi mới công nghệ chính là lối thoát
Thứ hai, 22/02/2016
Để tồn tại trong xu thế hội nhập nhiều áp lực, doanh nghiệp (DN) buộc phải thay đổi nếu không muốn tụt hậu.

Để tồn tại trong xu thế hội nhập nhiều áp lực, doanh nghiệp (DN) buộc phải thay đổi nếu không muốn tụt hậu.

Khó cả trong lẫn ngoài

Phát triển quá nhanh về số lượng, nhiều DN có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh trên thị trường… đang là thực trạng đáng lo ngại của ngành sản xuất thép trong nước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đến nay tổng năng lực sản xuất ngành thép trong nước lên đến khoảng 23 triệu tấn/năm. Trong đó, thép xây dựng 11 triệu tấn, thép ống hàn 2,1 triệu tấn, tôn mạ phủ màu các loại trên 4 triệu tấn… Trong khi đó, năm 2015, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước chỉ tăng từ 10 - 12%.

Cụ thể, thép xây dựng khoảng hơn 6 triệu tấn, thép ống hàn đạt 1,36 triệu tấn, tôn mạ phủ màu các loại 3,25 triệu tấn, thép tấm cuộn cán nguội đạt 3 triệu tấn... Cung vượt cầu quá xa, chưa nói đến chuyện cạnh tranh với thép ngoại trên “sân khách”, việc cạnh tranh nội bộ giữa các DN sản xuất thép trên thị trường trong nước cũng đã rất căng thẳng.

Trong nước, khả năng hấp thụ sản phẩm thép có hạn. Trong khi, việc xuất khẩu thép cũng đang gặp không ít khó khăn. Thị trường xuất khẩu thép chủ yếu của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung khu vực Asean. Thế nhưng, tại những thị trường này lại đang áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước.

Mặc dù, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đã hình thành, song một số nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã và đang xây dựng, áp dụng các hàng rào phi thuế quan, để hạn chế nhập khẩu thép. Đơn cử, Malaysia yêu cầu DN phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng, báo cáo kiểm tra và giấy phép sản phẩm.

Với Thái Lan, DN bán hàng phải cung cấp chi tiết về quy trình sản xuất, danh mục máy móc, thiết bị liên quan, quy trình kiểm soát chất lượng, đặc tính kỹ thuật của sản phẩm nhập khẩu... Do vậy, thép Việt Nam muốn vào được những thị trường này sẽ phải qua nhiều khâu thẩm định, nhiêu khê, trong khi chất lượng còn có nhiều hạn chế.

Nhiều mối lo khác với ngành thép, khi một loạt FTA, rồi TPP có hiệu lực khiến thép ngoại tràn vào nước ta nhiều hơn. Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng giám đốc CTCP Thép Dana Ý (TP. Đà Nẵng), cho biết, với việc gia nhập AEC, rồi tham gia TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với ngành thép vốn đang gặp quá nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn phải kể đến việc các sản phẩm sắt thép xuất xứ từ Trung Quốc cũng đang ồ ạt đổ vào nước ta, khiến áp lực nặng nề hơn lên các DN sản xuất thép trong nước.

Đổi mới công nghệ để tồn tại

Có thể nói thực trạng DN có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh trên thị trường đang là nỗi lo thường trực của nhiều DN thép trong nước. Trong số đó, không ít DN đã phải chấp nhận cảnh đóng cửa, ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp. Câu chuyện tại thương hiệu thép Thiên Kim (TP. Đà Nẵng) là một minh chứng.

Theo đó, CTCP Thiên Kim đã có đến 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất sắt thép. Tuy nhiên, mới đây DN này đã phải đóng cửa nhà máy sản xuất thép ở KCN Hoà Khánh. Hàng trăm công nhân thất nghiệp, hệ thống nhà xưởng được cho thuê lại…

Bà Nguyễn Thị Kim Nữ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thiên Kim cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến nhà máy sản xuất thép phải đóng cửa do công nghệ sản xuất quá lạc hậu, khiến giá thành cao không thể cạnh tranh nổi trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm thép của Trung Quốc, Nga...

Thực tế, nhiều người biết việc công nghệ lạc hậu đang làm giảm sự cạnh tranh của thép nội. Do vậy, dù muốn hay không công nghệ sản xuất đang là yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại của DN trong ngành sản xuất thép hiện nay. VSA đã nhiều lần khuyến cáo DN phải nhận thức rõ được việc cung đang vượt cầu như hiện nay. Để từ đó, DN chú trọng đến chất lượng và số lượng sản phẩm. Nhất là đối với mặt hàng thép xây dựng, một mặt hàng đang tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường lân cận như Lào, Campuchia,…

Tại TP. Đà Nẵng, xác định được việc đổi mới công nghệ là giải pháp cấp thiết để tồn tại, nhiều DN đã tích cực bắt tay thực hiện. Trong đó, phải kể đến CTCP Thép Dana Ý. Theo đó, DN này đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống “Cán thép vô tận” sử dụng công nghệ hàn phôi, một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã khởi công dự án công nghệ đúc cán liên tục với thiết bị được tự động hóa hoàn toàn, tổng giá trị đầu tư ước tính 4,5 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Với hệ thống thiết bị này và những công nghệ đã đổi mới thời gian qua sẽ tạo điều kiện để Dana Ý lọt vào tốp những DN thép có công nghệ cao của ngành thép trong nước.

Trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau nên việc đổi mới công nghệ vẫn là bài toán khó đối với nhiều DN. Tuy nhiên, để tồn tại trong xu thế hội nhập nhiều áp lực như hiện nay, buộc các DN phải thay đổi nếu không muốn ngừng sản xuất. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, tuỳ vào túi tiền của mình mà các DN có thể lựa chọn từng giải pháp công nghệ khác nhau.

Để rồi có thể đạt được các tiêu chuẩn thép đang phổ biến trên thế giới như, tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản, hoặc ASTM của Hoa Kỳ. Nếu đạt được tiêu chuẩn này thì việc vào được thị trường Asean, thậm chí cả TPP cũng không phải là quá khó đối với các sản phẩm thép của Việt Nam.

Ngoài ra, việc đổi mới công nghệ trong ngành sản xuất thép cũng phù hợp với lộ trình ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ. Bởi, thép là một trong những ngành được định hướng ứng dụng và chuyển giao các công nghệ các bon thấp thân thiện hơn với khí hậu…