Ngày 20/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam

09:51 - 06/04/2020
Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nền kinh tế tuần hoàn cũng đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe về thể chế, nguồn lực. Vì thế, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đi trước, chỉ ra những khó khăn, thuận lợi, từ đó soi chiếu vào Việt Nam, xác định các điều kiện để có thể chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn là nội dung chủ yếu mà bài viết hướng đến.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế phát triển tất yếu trên thế giới hướng tới phát triển bền vững, bởi nền kinh tế này đạt được 3 mục tiêu: (i) Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào; (ii) Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; (iii) Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn còn mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm. Theo Cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (LHQ).
Mô hình kinh tế tuần hoàn được đề xuất bởi một số quốc gia thuộc khu vực Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Phần Lan. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn trong năm 2008. Bài viết tập trung phân tích kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Thụy Điển và Trung Quốc.
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tuần hoàn
Thụy Điển
Là quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu, có nền kinh tế phát triển cao, duy trì một hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi, GDP bình quân đầu người tính theo giá năm 2017 của Thụy Điển là 51.603 USD/người, xếp thứ 11 trên thế giới. Thụy Điển là quốc gia có chỉ số bất bình đẳng thấp là 28 (2017), chỉ số phát triển con người cao thứ 07 thế giới là 0,933 (trong khi Việt Nam đạt 0,868).
Từ giữa những năm 1990, Thụy Điển là một trong số ít các nước công nghiệp hóa đã quản lý một cách khá tuyệt đối và duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với giảm thải cacbon và bảo vệ môi trường. Cùng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao Thụy Điển đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thải rác, gây ô nhiễm như: Đánh thuế cao các loại thải, ưu đãi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh hoạt…
Thụy Điển phấn đấu đến năm 2040 không sử dụng nguyên liệu hóa thạch và nền kinh tế tuần hoàn (với rác thải các bon thấp dựa trên nền tảng sinh học) là một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, Thụy Điển cũng gặp phải nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp (DN) và các cấp, ngành.
Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với phát thải các bon thấp của Thụy Điển được bắt đầu từ việc thay đổi tư duy sản xuất tiêu dùng, xây dựng kế hoạch triển khai, tiến đến áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất và xử lý rác thải với sự tham gia của cả Nhà nước, DN và người dân. Cụ thể:
Thứ nhất, thống nhất về tư duy phát triển và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trên phạm vi cả nước, từ người dân, DN đến Chính phủ, đây là cách thức để phát triển bền vững. Theo đó, Thụy Điển thành lập một nhóm chuyên gia về kinh tế tuần hoàn giúp Chính phủ điều phối và hỗ trợ DN, người dân. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu đổi mới trong lĩnh vực tài nguyên và chất thải.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế dựa trên ngành công nghệ cao. Nền kinh tế tuần hoàn “Vì một tương lai không rác thải” ở Thụy Điển được khởi xướng từ những thập kỷ trước, bắt đầu bằng việc đổi mới sáng tạo ở một số DN, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch trong các DN, tạo ra các phương pháp tiếp cận theo hướng đổi mới, sáng tạo.
Thứ ba, xây dựng các ngành kinh tế tuần hoàn.
- Đối với ngành Thực phẩm, Thụy Điển đã thiết lập một chiến lược quốc gia để thay đổi chuỗi cung ứng với nỗ lực tăng cường hợp tác toàn ngành. Trong ngành Thực phẩm, các thùng giấy được chứng nhận của Hội đồng quản lý rừng để làm các gói carton. Đặc biệt, thu dụng ống hút giấy cho các sản phẩm đồ uống đã bắt đầu, từ cơ sở thực nghiệm hiện nay còn có công ty đóng gói thùng carton đầu tiên ra mắt ống hút giấy trong khu vực.
- Đối với ngành Nhựa, Thụy Điển nỗ lực thắt chặt các chính sách quốc gia về sản xuất và sử dụng đồ nhựa với 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội được tái chế. Tuy nhiên, phần lớn là thiêu hủy nhựa, chỉ có 15% giá trị ban đầu của nó được giữ lại.
- Ngành chế tạo hiện đang tạo ra khoảng 20% GDP, đóng góp khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu cho Thụy Điển. Các công ty chế tạo tại Thụy Điển đã áp dụng công nghệ mới để từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất.
- Ngành Xây dựng tạo ra nhiều chất thải, đặc biệt là gây ra hiện tượng bụi mịn trong không khí, song đến nay mới chỉ có 50% được tái chế tại Thụy Điển. Nước này đang nỗ lực nâng cao tỷ lệ tái chế đối với ngành này lên đến 70% vào năm 2020 với nhiều sáng chế được áp dụng.
Thứ tư, tái chế rác thải thành điện năng. Tại Thụy Điển, 99% tổng lượng rác thải sinh hoạt được tái chế, thậm chí quốc gia này còn nhập khẩu hàng triệu tấn rác thải để sản xuất điện năng. Thụy Điển tiến tới một nền kinh tế không rác thải. Để làm được điều này, Thụy Điển đã áp dụng các giải pháp như: Quy định chặt chẽ về địa điểm tái chế rác thải; Xe chở rác chạy bằng năng lượng tái chế hoặc khí sinh hoạt; Phân loại rác theo màu túi đựng rác để tiết kiệm thời gian với sự tham gia của các DN, nhất là các DN trong ngành may mặc, thực phẩm; Biến rác thải thành điện năng; Đánh thuế cao khi sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng sinh học và năng lượng có khả năng tái tạo…
Trung Quốc
Hệ quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã đẩy Trung Quốc vào tình trạng ô nhiễm môi trường khói bụi dày đặc tại các thành phố lớn do sử dụng quá nhiều lượng than tiêu thụ phục vụ cho các đại công xưởng thế giới đặt từ nhiều năm nay.
Trung Quốc là nước tiêu tốn tài nguyên ở mức độ cao trên thế giới. Để sản xuất ra 46% lượng nhôm toàn cầu, 50% lượng sắt và 60% lượng xi măng của thế giới vào năm 2011, Trung Quốc đã tiêu thụ một số lượng nguyên vật liệu thô nhiều hơn so với 34 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gộp lại là 25,2 tỷ tấn. Thế nhưng tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của quốc gia này lại rất thấp, phải cần đến 2,5 kg nguyên vật liệu để tạo ra 1 USD trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 0,54 kg trong các quốc gia OECD. Trung Quốc cũng là quốc gia rất hoang phí tài nguyên khi năm 2014 tạo ra 3,2 tỷ tấn rác thải rắn công nghiệp, trong đó chỉ có 2 tỷ tấn được khôi phục lại bằng tái chế, chế thành phân trộn, thiêu hủy hoặc tái sử dụng. Trong khi đó, các DN và các hộ gia đình ở 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tạo ra 2,5 tỷ tấn rác thải trong năm 2012, trong đó 1 tỷ tấn được tái chế hoặc sử dụng làm năng lượng.
Dự báo tới năm 2025, Trung Quốc sẽ sản sinh ra gần 1/4 lượng rác thải rắn trong khu vực đô thị trên thế giới. Trong năm qua, lượng nước thải của Trung Quốc là 46 tỷ tấn, khí thải gần 10 triệu tấn, nhị khí hóa lưu huỳnh 21,59 triệu tấn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu người dân Trung Quốc tập trung thực hiện công nghiệp hóa như Mỹ thì 3 lần nguyên liệu mà trái đất có cũng cung cấp không đủ. Trung Quốc cũng là nước có lượng khí thải Cacbon lớn nhất thế giới, tăng 2,5% trong năm 2018 so với năm 2017. Tuy nhiên, từ đầu thập kỷ này, tăng trưởng GDP của Trung Quốc bắt đầu chậm lại khi nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng nhanh với trọng tâm là xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa. Trung Quốc nhận thức tác động xấu từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và đã có những hành động mạnh mẽ như: Giảm các mục tiêu tăng trưởng, đầu tư nhiều hơn cho xã hội và môi trường; đồng thời xây dựng mô hình phát triển bền vững, cải thiện năng suất tài nguyên và hiệu quả sinh thái. Mô hình này được Trung Quốc thực hiện từ năm 2002 và được coi là "nền kinh tế tuần hoàn". Triển khai thành công mô hình này được coi là cách tạo bước “nhảy vọt” cải thiện môi trường.
Qua thực tiễn mô hình kinh tế tuần hoàn tại Trung Quốc cho thấy, quốc gia này xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ việc đánh giá thực tiễn phát triển kinh tế nhanh đã dẫn đến những hệ lụy xấu đến môi trường, đồng thời tìm kiếm một mô hình phát triển tiết kiệm tài nguyên và có lợi cho môi trường. Thực tế, quan niệm nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc được bắt nguồn từ Đức, nghĩa là phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường song song tồn tại. Từ cách tư duy đó, Trung Quốc đã xây dựng mục tiêu, luật pháp, chính sách và biện pháp để có thể “nhảy vọt’’ từ phát triển gây tổn hại môi trường sang phát triển hơn con đường bền vững.
Từ thập kỷ 1990 khi Đức và Nhật Bản có các luật về tái chế thì Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm tới việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Năm 2005, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thừa nhận những rủi ro về kinh tế và môi trường trong việc khai thác tài nguyên quá mức ở quốc gia này; đồng thời cho rằng nền kinh tế tuần hoàn là phương tiện chủ đạo để đối phó với những rủi ro đó. Sau đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cùng các cơ quan khác đã xây dựng nên các nguyên tắc của nền kinh tế tuần toàn và thúc đẩy các mô hình cộng sinh công nghiệp. Kèm theo đó, Trung Quốc có các chính sách về thuế, tài chính và hình thành một quỹ hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bản Kế hoạch năm lần thứ 11 của Trung Quốc (giai đoạn 2006 – 2010) dành riêng một chương đề cập về nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2008, Luật Bảo vệ nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc ra đời, trong đó yêu cầu các cơ quan, ban ngành nhà nước ở cấp địa phương phải cân nhắc đến những vấn đề liên quan trong các chiến lược đầu tư và phát triển, với các ngành được nhắm đến là than, sắt, điện tử, hóa chất và xăng dầu. Tiếp theo, nền kinh tế tuần hoàn được nâng lên thành một chiến lược phát triển quốc gia trong Kế hoạch năm lần thứ 12 (giai đoạn 2011 – 2015), với những mục tiêu cụ thể như tới năm 2015 đạt mức tái sử dụng 72% chất thải rắn công nghiệp và gia tăng 15% hiệu suất nguồn lực (đầu ra kinh tế trên đơn vị nguồn lực sử dụng). Năm 2013, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ra Chiến lược quốc gia để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - một chiến lược đầu tiên trên thế giới, với những mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2015 tăng hiệu suất sử dụng năng lượng (GDP trên đơn vị năng lượng) 18,5% so với năm 2010; Nâng cao hiệu suất sử dụng nước 43%; Đầu ra của ngành công nghiệp tái chế đạt 1,8 vạn nhân dân tệ (276 tỷ USD) so với 1 vạn nhân dân tệ năm 2010…
Bên cạnh đó, nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc được tiến hành xây dựng theo lộ trình cụ thể, từ xác định mục tiêu phát triển, xác định quan niệm về kinh tế tuần hoàn, thông qua hệ thống pháp luật có tính bắt buộc đối với các DN. Các hành động của Chính phủ trên thực tế cũng tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc. Năm 2017, Chương trình chính sách kinh tế tuần hoàn được Trung Quốc thông qua với việc mở rộng trách nhiệm của các DN sản xuất trong việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn nguyên liệu có khả năng tái tạo.Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu ký biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng kinh tế tuần hoàn; Năm 2019, Hợp tác liên lục địa gồm 200 DN trên thế giới và của Trung Quốc đã cam kết với nền kinh tế tuần hoàn về nhựa. Để đảm bảo thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, Trung Quốc còn thành lập Tổ chức và giám sát thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Tổ chức này không chỉ là vai trò của Ban xây dựng và phát triển kinh tế Trung Quốc mà còn có sự tham gia của Tổng cục Môi trường Trung Quốc với 03 khâu: Kinh tế tuần hoàn, vòng tuần hoàn nhỏ thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp; Vòng tuần hoàn vừa thực hiện ở quy mô lớn hơn và vòng tuần hoàn lớn thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế. Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các khu công nghiệp sinh thái quốc gia về xử lý và tái sản xuất phế thải.
Điều kiện để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, mặc dù quy mô nền kinh tế nhỏ, xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số nhưng lại đứng thứ 04 thế giới về rác thải nhựa với 1,83 triệu tấn/năm. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí; ô nhiễm không khí khiến Việt Nam mất đi khoảng 3,5% GDP vào năm 2035.
Từ thực tế trên, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều bước chuyển đổi hướng đến phát triển nhanh và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn như: Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2010-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 41-NQ-TW ngày 15/11/2004  của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn 2018…
Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất định như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ… mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng, sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang… Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại, cần có giải pháp đồng bộ. Cụ thể:
Một là, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới.
Hai là, huy động sự tham gia của cộng đồng vào phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm nhà nước và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện "kinh tế tuần hoàn" cần kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia. Hiện nay, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn. Các hoạt động mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, chưa mang lại lợi ích kinh tế nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Ba là, cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. DN là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Đó là cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và cách tiếp cận theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý. Bên cạnh đó, lộ trình cần tiếp tục thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn như khuyến khích năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn đã có tại Việt Nam.
Để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu của DN. Thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác. Ngoài ra, DN cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Đặc biệt, phần khó khăn nhất trong sứ mệnh mở rộng nền kinh tế tuần hoàn sẽ là thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.    
Tài liệu tham khảo:
1. Thụy Điển – Quốc gia tái chế 99% tổng rác thải sinh hoạt, hanoimoi.com.vn ngày 04/12/2018;
2. YongLiu YinBai  - An exploration of firms’ awareness and behavior of developing circular economy: An empirical research in China;
 3. Developing the circular economy in China: Challenges and opportunities for achieving 'leapfrog;
4. Các website: english.thesaigontimes.vn, vppa.vn, www.sggp.org.vn.
TS. Trương Thị Mỹ Nhân - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh