Ngày 29/03/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương

10:00 - 03/09/2019
Phát triển bền vững là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước
Phát triển bền vững (PTBV) đã trở thành mục tiêu và chiến lược của hầu hết các nước trên thế giới. Mỗi nước, căn cứ vào điều kiện của mình, đề ra chủ trương và chiến lược phát triển với những mục tiêu cụ thể. Tại Việt Nam, PTBV được Chính phủ xác định là con đường tất yếu từ năm 2004, tại Chương trình nghị sự 21.
Tiếp đó, ngày 12 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu tổng quát “Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”. Chiến lược được thực hiện với 3 định hướng lớn về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên và môi trường.   
 
17 mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc 
Tích cực tham gia vào Chương trình nghị sự 2030 do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tháng 9/2015, ngày 10 tháng 5 năm 2017, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với mục tiêu tổng quát mở rộng hơn. Kế hoạch hành động đưa ra 17 mục tiêu chung về PTBV và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, tính đến nay, 12 bộ và 40 địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động, đã ban hành bộ chỉ tiêu về PTBV của Việt Nam gồm 158 chỉ tiêu tại Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22 tháng 1 năm 2019.
Nhằm thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2019 về phát triển bền vững.
Lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 681/QĐ-TTg. Đây là cơ sở quan trọng cho công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu PTBV tại các mốc thời gian 2020, 2025, 2030. Lộ trình cũng là căn cứ để các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm, xây dựng các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV trong từng thời kỳ từ năm đến năm 2030.
Ngành Công Thương chủ động, tích cực chiến lược PTBV
Tại Hội thảo khoa học về PTBV ngành Công Thương tổ chức mới đây tại hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: “Để thực hiện chiến lược PTBV và Chương trình nghị sự 2030, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo PTBV và Văn phòng PTBV để triển khai các nhiệm vụ được giao, đồng thơi ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 4917/QĐ-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2017. Trong đó, 15 mục tiêu về PTBV của Chính phủ giao đã được Bộ Công Thương cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể và phân công cho 20 đơn vị thuộc Bộ để thực hiện”.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo khoa học về PTBV ngành Công Thương
Thứ trưởng đánh giá, với công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch để triển khai chiến lược PTBV và Chương trình nghị sự 2030 như hiện nay, về cơ bản có thể thấy được sự quan tâm, chủ động tích cực của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhận định, trong quá trình triển khai kế hoạch, các đơn vị còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn khi chưa nhận thức, hiểu biết tường tận về nội hàm của PTBV trong các lĩnh vực ngành Công Thương. Ngoài ra, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, hành động cụ thể của từng ngành, lĩnh vực có đóng góp như thế nào đến tiến trình PTBV của ngành, lĩnh vực hay quốc gia vẫn đang là các câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng.Thông qua hội thảo, Bộ Công Thương mong muốn được các chuyên gia, các nhà khoa học và toàn thể đại biểu tham dự chia sẻ, đóng góp ý kiến và tư vấn cho Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch hành động PTBV ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2030.
Cụ thể, đề án PTBV lĩnh vực công nghiệp Việt Nam đang được Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương xây dựng, dựa theo hướng tiếp cận hài hòa đầu vào, tối ưu hóa đầu ra. TS. Đinh Văn Châu, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, hiện nay hơn 160 quốc gia trên thế giới đang áp dụng hướng tiếp cận này.
TS. Đinh Văn Châu, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Đề án cũng xác định 6 nhân tố tác động đến PTBV lĩnh vực công nghiệp là (1) khoa học và công nghệ, (2) cơ cấu đầu tư, (3) lực lượng lao động, (4) chính sách phát triển công nghiệp, (5) tài nguyên thiên nhiên và (6) sự thay đổi của nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, thực trạng từ cấu trúc kinh tế Việt Nam như tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp cao, thiếu liên kết chuỗi giữa các khu vực kinh tế và trong mỗi linh vực, tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ thấp, trình độ khoa học kỹ thuật, giá trị gia tăng thấp, đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với PTBV lĩnh vực công nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững và ông Trần Việt Hòa (phải), Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ lắng nghe đóng góp của các đại biểu về đề án PTBV lĩnh vực công nghiệp 
Từ đó, đề án nhận định, để hướng tới PTBV, lĩnh vực công nghiệp cần tập trung sử dụng tiết kiệm và hiệu quả mọi nguồn lực (tài nguyên, lao động, khoa học công nghệ, tài chính, năng lượng, các lợi thế), tối ưu hóa cơ cấu sản xuất, xây dựng ngành sản xuất mũi nhọn, bảo tồn tài nguyên, cải thiện môi trường và phân bổ lợi ích hài  hòa, công bằng.
Góp ý cho chiến lược PTBV ngành Công Thương, PGS.TS Vũ Văn Tích, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng Bộ Công Thương nên tổ chức các chương trình kinh tế số gắn với công nghệ sinh học, công nghệ điện tử viễn thông, công nghệ cơ khí chế tạo tự động hóa, công nghệ thông tin và công nghệ vật liệu mới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đạo tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai đền án thu hút và phát triển nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao.
PGS.TS Vũ Văn Tích, Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong khi đó, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho rằng hai yếu tố công nghiệp và thương mại cần có sự kết nối chặt chẽ hơn trong xây dựng và triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động PTBV ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2030.
Bà Lê Việt Nga nhận định, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng phát triển, sản xuất công nghiệp cần theo sát tín hiệu thị trường, đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, để “xanh hóa” chuỗi cung ứng và thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam theo hướng bền vững.
Tất cả các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương tổng hợp và bổ sung trong Kế hoạch hành động PTBV ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2030.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững​