Ngày 29/03/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Thừa Thiên Huế: Các siêu thị, chợ dùng lá chuối , túi giấy... để hạn chế túi ni lông

09:48 - 16/07/2019
Để giảm thiểu sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần, chống rác thải nhựa, các hệ thống siêu thị ở Huế như Co.Opmart, Big C đã triển khai mô hình dùng lá chuối, túi giấy... để gói rau, củ, quả.

Thực phẩm được gói trong lá chuối tại Co.opMart Huế
Từ đầu năm 2019 đến nay, rất nhiều phong trào nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, túi ni lông... đang được các sở, ban, ngành tại tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực triển khai, lan rộng sâu sắc đến nhiều tầng lớp từ trí thức đến quần chúng nhân dân.
Vừa qua, việc gói, đựng hàng hóa bằng sản phẩm tự nhiên như lá chuối, lá vả, túi giấy... hiện đã được một số doanh nghiệp, siêu thị, chợ tại Huế áp dụng và được người dân, du khách đồng tình cao. Đây là hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, dần loại bỏ túi ni lông khỏi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Hưởng ứng phong trào “Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa”, siêu thị Big C Huế đang dần chuyển sang các sản phẩm thân thiện với môi trường, loại trừ dần túi ni lông ra khỏi kệ hàng mà sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối tươi. Túi ni lông sử dụng một lần cũng là thứ mà siêu thị này đang áp dụng cho khách hàng.
Quan sát tại Big C Huế, PV nhận thấy các mặt hàng rau, củ, quả... đang được bày bán đã dùng lá chuối để gói. Bà Võ Thị Thu Thủy - Giám đốc Siêu thị Big C Huế thông tin, lâu nay nhiều loại rau, củ tại hệ thống siêu thị bày bán đều được gói bằng lá chuối hay các sản phẩm tự nhiên khiến người tiêu dùng rất hài lòng.

Người tiêu dùng đón nhận những cách làm thân thiện với môi trường như thế này
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn việc đưa các loại lá chuối, túi giấy để bao bọc sản phẩm bày bán nhằm đáp ứng nhu cầu ngày 1 lớn của người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan. Chúng tôi cũng đang dán banner ở nhiều vị trí của siêu thị nhằm tuyên truyền chống rác thải nhựa. Thực tế, 3 năm nay, hệ thống Big C Huế đã sử dụng các loại bao bì tự hủy sinh học để bao gói các sản phẩm tại cửa hàng cũng như bao gói hàng hóa cho khách hàng...”- bà Thủy nói.
Còn với siêu thị Co.opMart Huế, túi ni lông hay các sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần đã không còn xuất hiện. Những mặt hàng tại Co.opMart Huế nay được bọc hay đựng bằng túi giấy, thùng giấy, lá chuối tươi một cách “bắt mắt”. 
Nhiều khách hàng khi đến với Co.opMart Huế tỏ ra thích thú khi thấy các mặt hàng rau củ quả như xà lách, rau cải, cần tây, hành lá cho đến xôi, cơm nấu chín... được bọc bằng lá chuối tươi rất xanh, gọn gàng. Túi đựng lớn thì bằng giấy. Giá cả cũng được niêm yết công khai, minh bạch.
“Tôi thấy mô hình rất là hay, nhìn các mặt hàng như thế rất thích thú, thân thiện. Hình ảnh những túi hàng được bọc lá chuối không chỉ mang ý nghĩa giáo dục, vận động mọi người bảo vệ môi trường, giảm sử dụng túi ni lông, mà còn giúp những thế hệ lớn tuổi như chúng tôi tìm lại được ký ức sinh hoạt gần gũi với môi trường...”- ông Nguyễn Thế Tài (59 tuổi, TP. Huế) chia sẻ.

Túi ni lông tự phân hủy cũng được siêu thị Big C Huế triển khai
Bà Dương Thị Tuất - Giám đốc Siêu thị Co.Opmart Huế cho biết, từ tháng 4 vừa qua, 111 siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart trên toàn quốc, trong đó có Huế bắt đầu thử nghiệm dùng lá chuối để gói hơn 20 mặt hàng rau, củ. Nguồn lá chuối đang dùng do Đoàn thanh niên của siêu thị kêu gọi từ sự đóng góp “cây nhà lá vườn” của cán bộ nhân viên siêu thị và được một nhóm chuyên trách “test” chất lượng đảm bảo vệ sinh trước khi nhập vào sử dụng.
“Sau này, toàn hệ thống sẽ có đầu mối chuyên cung cấp lá chuối và được kiểm nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh; đồng thời sẽ có thêm những sản phẩm đóng gói thân thiện từ lá dong, lá vả..., tạo điều kiện cho người trồng có thêm nguồn thu ổn định từ việc bán các loại lá này...”- bà Tuất cho hay.
Ngoài ra, ở những địa điểm nêu trên đều trang hoàng những cây xanh rất bắt mắt, thân thiện, tạo ra một không gian xanh cho khách. Những hành động trên đã được người dân Huế hưởng ứng và ủng hộ cao, mở ra một hướng đi kinh doanh “xanh”, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ môi trường...
Một trung tâm thương mại lớn ở TP. Huế là chợ Đông Ba cũng đã đưa ra kế hoạch, tiểu thương ký cam kết thực hiện việc đựng hàng hóa bằng túi giấy tự hủy- thân thiện với môi trường, thay vì túi ni lông như lâu nay. 

Các siêu thị tại Huế cũng bố trí cây xanh để tạo không gian xanh cho người tiêu dùng...
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trà - Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, hiện chợ có hơn 2.700 lô kinh doanh, hàng trăm lô khác. Vì vậy, chợ là nơi thải ra lượng rác thải, nhựa, túi ni lông lớn mỗi ngày. Điều này đặt ra trách nhiệm lớn đối với ban quản lý chợ, cũng như tiểu thương chợ Đông Ba trong việc chung tay bảo vệ môi trường...
“Tới đây, Ban quản lý chợ Đông Ba sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động như: Cuộc vận động xây dựng “Gian hàng văn minh thương mại”; mô hình 3 không: không xả rác, không nói thách, không lấn chiếm; mô hình “Tiểu thương nói không với thực phẩm bẩn”; mô hình “Dãy ngành hàng không rác” và đặc biệt là “Nói không với túi ni lông”. Tất nhiên, hành động này không thể một sớm một chiều” mà cần phải có thời gian để thay đổi...”- bà Trà bộc bạch.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện nay phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do tỉnh phát động ngày càng được mọi người hưởng ứng, lan tỏa có chiều sâu và đã mang lại nhiều kết quả tích cực ban đầu về bảo vệ môi trường. Thủ tướng cũng đã nhiều lần biểu dương, viết thư khen ngợi người dân Cố đô...
“Chúng tôi mong muốn những phong trào Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần cũng sẽ được lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để góp phần cho Thừa Thiên Huế ngày càng xanh- sạch- sáng. Hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Những nơi đang sử dụng các loại lá chuối, túi giấy... cần được tiếp tục phát huy”- ông Thọ nhấn mạnh.
Văn Dinh