Ngày 24/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Khai thác nguồn điện “xanh” từ rác thải

11:07 - 19/03/2019
Việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ xử lý rác thải tiên tiến theo hướng sử dụng công nghệ đốt phát điện, tái tạo năng lượng tại thành phố Hồ Chí Minh đã được hiệu quả bước đầu.
Ngày 22/11/2018, Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với Công ty cổ phần Tasco tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi, áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng với hiệu suất cao
Đứng trước áp lực về xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt rất lớn mỗi ngày đảm bảo môi trường, sản xuất năng lượng sạch nhằm phát triển bền vững, Tp. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư công nghệ xử lý rác thải tiên tiến theo hướng sử dụng công nghệ đốt phát điện, tái tạo năng lượng và đạt được hiệu quả bước đầu. 
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố hiện đang thải ra hơn 9.000 tấn chất thải rắn mỗi ngày; trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 14,7% tái chế nhựa và 9,3% đốt không phát điện. 
Thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, nhất là chuyển hóa rác thành điện năng, hướng tới mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ rác chôn lấp giảm xuống còn 50%, đến năm 2050 giảm còn 20%.
Hiện Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với công nghệ khí hoá plasma kết hợp phát điện, công suất 2.000 tấn/ngày do Công ty Trisun Green Energy Corporation làm chủ đầu tư. 
Trước đó, cuối năm 2016, UBND Tp. Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty TNHH Thủy lực - Máy thực hiện đề án thực nghiệm “Xây dựng nhà máy điện - rác Gò Cát”.
Ngày 30/3/2017, hệ thống dây chuyền thiết bị của nhà máy được vận hành, hòa lưới điện quốc gia vào ngày 22/4. 
Nhà máy đã xử lý ép viên 500 tấn rác công nghiệp không độc hại làm nhiên liệu và chuyển hóa 35 tấn rác thành 7 triệu kWh. Chi phí xử lý rác của nhà máy là 1,5 triệu/tấn, giá điện bán ra 10,5 cent/kWh. 
Công nghệ điện rác do ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy lực - Máy nghiên cứu phát minh và hoàn thiện vào năm 2013.
Ông đã thực nghiệm thành công công nghệ và hòa lưới điện chiếu sáng Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam.
Công nghệ này được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp giấy chứng nhận; Bộ Tài nguyên và Môi trường đo kiểm các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật, hiệu suất, đảm bảo các chỉ số trong quy trình công nghệ chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh.
Trong thời gian tới, Công ty Thủy lực - Máy sẽ tiếp tục thực hiện đề án thực nghiệm Nhà máy điện rác tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nhằm đảm bảo môi trường và phát triển du lịch tại khu vực này. 
Ông Nguyễn Gia Long cho biết, giải pháp công nghệ điện rác hoàn toàn không chôn lấp hoặc đốt nên không có nước thải, không mùi hôi và không khói bụi.
Hệ thống khí hóa đa nhiên liệu với nguồn nhiệt lớn bẻ gãy mạch hydrocacbon trong môi trường thiếu oxy biến rác thải rắn thành thể khí.
Nguồn khí này được loại bỏ những khí không mong muốn để tăng hiệu suất phát điện. Điện sản xuất từ rác thải được đưa vào trạm để hòa vào lưới điện quốc gia và phục vụ chiếu sáng trong toàn nhà máy. 
Giải pháp công nghệ điện rác có thể thực hiện ở quy mô nhỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy.
Bên cạnh đó, nhà máy có thể xây dựng quy mô nhỏ ở các xã, huyện, quận nhằm xử lý triệt để vấn đề rác thải ở địa phương, tránh tình trạng rác từ đô thị đưa về chôn lấp và xử lý ở vùng ngoại ô ảnh hưởng đến đời sống người dân. 
Công nghệ điện rác không đặt nặng số lượng điện sản xuất hay giá xử lý rác đầu vào, giá bán điện đầu ra mà mục tiêu quan trọng là giải quyết vấn đề môi trường.
Đây là giải pháp xử lý rác thải không ảnh hưởng đến môi trường và có thể thực hiện với quy mô nhỏ để xử lý rác thải ở từng địa phương. 
Sau khi đề án thực nghiệm “Xây dựng nhà máy điện - rác Gò Cát” được triển khai thành công, Công ty TNHH Thủy lực - Máy lập đề án xử lý điện rác từ rác thải sinh hoạt và chờ chủ trương của lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh về cấp giấy phép xây dựng. 
Theo đề án này, công đoạn tiền xử lý, tách mô mềm, tạo viên nén từ rác thải sinh hoạt được thực hiện tại Phước Hiệp, huyện Củ Chi, sau đó chuyển về nhà máy điện rác tại Gò Cát để sản xuất, tạo thành dòng điện xanh với công suất chuyển hoá 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày thành 20 MW điện. 
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho hay: Xử lý rác của Thành phố chủ yếu vẫn là chôn lấp, công nghệ rất lạc hậu nên Thành phố kêu gọi doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải thay đổi công nghệ, chuyển sang dùng công nghệ đốt tạo năng lượng với phương châm công khai, minh bạch. 
Đối với những khu xử lý chất thải đang hoạt động, lãnh đạo UBND Thành phố yêu cầu Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam chuyển đổi trước mắt 2.000 tấn/ngày trên tổng số hơn 5.000 tấn/ngày từ chôn lấp sang công nghệ đốt và xử lý triệt để hơn tại khu xử lý rác thải Đa Phước.
Đồng thời UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại 2 Khu liên hợp xử lý chất thải rắc Tây Bắc, huyện Củ Chi và Đa Phước, huyện Bình Chánh; trong đó ưu tiên việc chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hạn chế chôn lấp. 
Việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt, phát điện của Tp. Hồ Chí Minh đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Đáng chú ý, vào ngày 22/11/2018, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tasco tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Dự kiến, công trình sẽ đưa vào sử dụng sau 24 tháng xây dựng và có thời gian khai thác, vận hành đến tháng 6/2057. Công suất thiết kế của nhà máy đạt 500 tấn/ngày, về lâu dài có thể nâng công suất theo yêu cầu tiếp nhận nguồn rác thải của Thành phố. 
Ông Châu Phước Minh, đại diện chủ đầu tư cho biết, Nhà máy xử lý – tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng với hiệu suất cao, không phát tán mùi hôi, giảm thiểu phát thải ô nhiễm.
Nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại tận dụng rác hữu cơ để sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao, tận dụng tro xỉ để sản xuất gạch không nung, nước rỉ rác để phát điện, khí thải từ nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu (EU2000) với hệ thống quan trắc online 24/24.
Nhà máy được thiết kế và xây dựng theo hướng công viên cảnh quan có bố trí lối đi để người dân địa phương tham quan, kiểm tra hoạt động của nhà máy. 
Với những hiệu quả bước đầu về đầu tư và phát triển công nghệ điện rác tại Tp. Hồ Chí Minh, rác thải sinh hoạt trên địa bàn sẽ được xử lý phần lớn bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường và bảo vệ sức khoẻ người dân.
Nguồn: Bnews