Ngày 19/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Chương trình “Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Việt Nam” - 2018

11:18 - 15/03/2019
Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt coi trọng. Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng đặt ra vấn đề doanh nghiệp phải xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường thiên nhiên, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân
Trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặc trưng bởi công nghệ cao, máy móc hiện đại, nền tảng công nghệ xanh... thì Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn công nghiệp lần thứ 2, chủ yếu là dây chuyền gia công lắp ráp, phát triển dựa vào chi phí nhân công giá rẻ và nguồn tài nguyên sẵn có, chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Theo đó, để hội nhập thành công, phát triển bền vững, các doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng lực của mình, tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quan trọng là luôn đặt mục tiêu đổi mới công nghệ nâng cao hiệu quả kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia.
Từ thực tế đó, bắt đầu năm 2015, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức chương trình thường niên “Doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia”. Các doanh nghiệp tham dự Chương trình là do các Sở TN&MT địa phương lựa chọn, đề cử vì đã tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Chương trình còn nhằm chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất thải gây hiệu ứng nhà kính; cam kết sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường.
 
Các doanh nghiệp, thương hiệu đạt giải thưởng năm 2018 
Các Chương trình này đã truyền cảm hứng, ý thức cho một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, doanh nhân về ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đặc biệt, Chương trình còn là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân giao lưu, học hỏi, tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công nghệ “xanh, sạch” trong sản xuất, kinh doanh hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Đặc biệt, năm 2017 trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Doanh nghiệp là người tiên phong trong việc tạo ra sản phẩm xã hội, áp dụng các công nghệ mới, đổi mới quản lý, sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng chất lượng, thân thiện với môi trường. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không thể coi nhẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, ổn định xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường phải được xác định là trách nhiệm của mỗi DN, mỗi người dân. Các doanh nghiệp Việt Nam luôn đặt mục tiêu đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; tiếp tục nâng cao năng lực của mình, tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.  
Chương trình “Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Việt Nam” lần thứ IV – 2018 được tổ chức nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất, kinh doanh bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đồng thời, Chương trình cũng là dịp để các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, môi trường trong và ngoài nước chia sẻ, thảo luận để có hướng đi phù hợp trong việc xây dựng thương hiệu Việt xanh bền vững và tâm thế sẵn sàng trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng những vướng mắc về cơ chế trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư công nghệ mới. Đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, chính sách và hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là tiêu thụ sản phẩm xanh.
 
 Toàn cảnh Chương trình "Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh 2018" 
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng mang tới Chương trình các tham luận, giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hoà Bình trình bày tham luận về Công nghệ xây dựng mới tiết kiệm năng lượng, hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường; Phó Giám đốc Trần Anh Tuấn của Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Hà có  "Giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho công trình"; Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam trình bày tham luận về vấn đề xử lý rác thải tại Việt Nam; Giám đốc Nguyễn Minh Tuấn - Công ty TNHH Quản lý Toà nhà Việt (VietBuilding) lại có "Giải pháp quản lý vận hành các toà nhà tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường"…
Hi vọng, với những hoạt động hỗ trợ DN mà thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, ngành TN&MT nói chung đang thực hiện; đồng thời với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và DN, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN để phát triển kinh tế xanh bền vững, tạo ra không gian kinh tế công bằng cả về cơ chế, chính sách và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho tất cả các thành phần kinh tế.
Theo Báo Lao động