Ngày 29/03/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Tạo nền tảng về mô hình mới trong triển khai thúc đẩy sử dụng năng lượng TK & HQ tại Việt Nam

14:54 - 24/10/2018
Tăng cường an ninh năng lượng là một mục tiêu không thể thiếu trong chính sách năng lượng quốc gia.
Ở mức độ dài hạn, an ninh năng lượng chủ yếu giải quyết thông qua việc đầu tư kịp thời để cung cấp năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế và đáp ứng đòi hỏi môi trường phát triển bền vững, trong khi đó, ở phạm vi ngắn hạn, an ninh năng lượng tập trung vào sự sẵn sàng của các hệ thống năng lượng để phản ứng lại những thay đổi bất ngờ trong cân bằng cung cầu năng lượng. An ninh năng lượng không được đảm bảo đồng nghĩa với những tác động tiêu cực đối với kinh tế-xã hội bởi thiếu hụt năng lượng, giá năng lượng không cạnh tranh hoặc bất ổn. Để vượt qua những thách thức về an ninh năng lượng, Việt Nam cần thực hiện những nhóm giải pháp sau: (i) hướng đến đảm bảo bền vững nguồn cung nhiên liệu hóa thạch và (ii) phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả và đa dạng hóa hệ thống năng lượng dựa trên việc tăng cường nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nhóm giải pháp thực thi việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong số các giải pháp được coi là then chốt trong chiến lược an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam bởi những lý do sau: (1) Hiệu quả dài hạn trong khai thác các nguồn năng lượng truyền thống; (2) Hạn chế mất cân đối giữa cung và cầu năng lượng; (3) Đảm bảo sự ổn định và lâu dài tài nguyên năng lượng quốc gia.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là phần quan trọng trong chính sách năng lượng quốc gia, được Chính phủ giao Bộ Công Thương làm đầu mối phối hợp với các Bộ/Ngành tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều năm qua, nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã thu được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong điều hành chính sách năng lượng quốc gia bên cạnh việc gia tăng năng lực cạnh tranh của từng ngành, từng doanh nghiệp. Một số kết quả nổi bật như sau về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả được ghi nhận:
- Đã đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2011-2015 so với dự báo nhu cầu năng lượng trong giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, tương đương với việc tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE trong giai đoạn 2011-2015;
- Đã hoàn thành chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng; tăng cường việc áp dụng quy chuẩn xây dựng “Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” đối với các tòa nhà có quy mô lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng và thúc đẩy các giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng như đưa ra một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể khác.
- Tăng cường thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua việc triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tập trung vào các ngành: công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có khả năng gây ô nhiễm môi trường; giao thông vận tải và xây dựng; đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, loại bỏ các trang thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng.
Xác định khu vực sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục là đối tượng cần phải nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng hơn nữa nhằm đạt được kỳ vọng giảm hệ số đàn hồi năng lượng, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều mô hình hợp tác về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với việc giảm thiểu, tiến tới chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trên nguyên tắc tập hợp và huy động nguồn lực quốc tế, các doanh nghiệp, cộng đồng cùng thực hiện nhiệm vụ tiết kiệm năng lượng.
Dự án Tiết kiệm kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Energy Effciency fo Industrial Enterprises Project – VEEIE) là một trong những mô hình nổi bật được Bộ Công Thương phối hợp cùng các đối tác phát triển chính thức triển khai từ tháng 1 năm 2018.
Dự án là nơi hội tụ nguồn lực và đồng tổ chức triển khai giữa: (i) Đối tác phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới); (ii) Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương); (iii) Tổ chức tài chính (BIDV; Vietcombank) và (iv) Cộng đồng doanh nghiệp (doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công ty dịch vụ năng lượng) nhằm mục đích cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng tại các cơ sở công nghiệp. Khoảng 158 triệu USD huy động chủ yếu tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tích cực triển khai trong thời gian 05 năm (2018 – 2022), chắc chắn Dự án sẽ tạo được sự đột phá về hiệu quả sử dụng năng lượng tại các cơ sở được triển khai, nhờ đó góp phần thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng của khu vực công nghiệp.
Với mục tiêu đạt mức tiết kiệm tổng năng lượng tiêu thụ khoảng 0,93 triệu TOE/năm và tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 4,835 triệu tấn CO2/năm, Dự án được dự đoán sẽ tạo đà cho giải pháp tiết kiệm năng lượng và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu trong ngành công nghiệp Việt Nam.
Để đưa Dự án nhanh chóng vào hoạt động sản xuất tại các cơ sở công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, cơ quan đầu mối quản lý và điều phối Dự án của Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các đối tác cùng tham gia Dự án triển khai nhiều hoạt động cụ thể.
Hội thảo khởi động Dự án đã được tổ chức vào tháng 3 năm 2018 tại Hà Nội với hơn 100 đại biểu từ Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các Sở Công Thương, các đơn vị tư vấn, các Hiệp hội và doanh nghiệp công nghiệp, các ngân hàng thương mại. Sau Hội thảo, nhiều, hoạt động tuyên truyền về Dự án được triển khai. Kết quả là sau gần 10 tháng triển khai Dự án, rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã bày tỏ quan tâm, trong số đó nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất đường, sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy v.v. đang phối hợp cùng chuyên gia Dự án để tiến hành những đánh giá kỹ thuật cần thiết.
Cơ chế phối hợp giữa các bên tham gia Dự án đã đang được phát huy hiệu quả, đặc biệt trong giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn triển khai hoạt động của Dự án. Trong số đó, những yếu tố hấp dẫn về tài chính đã được Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng BIDV, Vietcombank tích cực giải quyết nhằm tạo sự thuận lợi tối đa cho nhà máy, xí nghiệp công nghiệp tham gia Dự án.
Hình thức tái rà soát, chuyển dạng nguồn vốn vay đối với những doanh nghiệp công nghiệp là khách hàng của hai ngân hàng này được cho là một trong những giải pháp ngắn hạn nhằm gia tăng sức hấp dẫn tài chính của Dự án đối với các xí nghiệp công nghiệp. Nhà máy đường Trà Vinh (thuộc tỉnh Trà Vinh), Nhà máy đường Tuy Hòa (thuộc tỉnh Phú Yên) được kỳ vọng là những doanh nghiệp công nghiệp đầu tiên được giải ngân của Dự án.
Đoàn công tác đánh giá CTCP mía đường Tuy Hòa Đoàn công tác đánh giá CTCP mía đường Tuy Hòa
Đoàn công tác đánh giá CTCP mía đường Trà Vinh Đoàn công tác đánh giá CTCP mía đường Trà Vinh

Để mục tiêu Dự án được đảm bảo, Dự án đưa ra những yêu cầu cơ bản về mặt kỹ thuật cũng như những rào cản nhằm ngăn chặn sự xung đột lợi ích trong quá trình triển khai, cụ thể như sau:
- Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân không có sở hữu chéo với ngân hàng cho vay lại là ngân hàng BIDV hoặc Vietcombank đều được quyền tiếp cận Dự án.
- Phạm vi các tiểu dự án tiết kiệm năng lượng có thể vay vốn trong Dự án gồm: (i) Thay thế các công nghệ công nghiệp kém hiệu quả bằng các công nghệ tiết kiệm năng lượng như nồi hơi công nghiệp, lò nung và các hệ thống trao đổi nhiệt hiệu suất cao; (ii) Thu hồi và tận dụng khí phụ phẩm và nhiệt thải; (iii) Lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí hiệu suất cao, bao gồm các động cơ, chiếu sáng, máy bơm, các thiết bị nhiệt và thông gió; (iv) Tối ưu hóa các hệ thống công nghiệp để tiết giảm sử dụng năng lượng; (v) Sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm điện hoặc nhiên liệu trong các doanh nghiệp công nghiệp (hệ thống đồng phát, hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời...); (vi) Các dự án khác được Ngân hàng Thế giới chấp thuận.
- Các tiểu dự án tiết kiệm năng lượng cần chứng minh đạt được yêu cầu mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu là 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng thấp hơn cũng có thể được chấp nhận đối với một số lĩnh vực cụ thể với công nghệ năng lượng hiện đại. Đồng thời, các tiểu dự án phải đảm bảo tỷ lệ hoàn vốn nội tại về kinh tế tối thiểu 10%.
Hội thảo giới thiệu dự án tại ngân hàng BIDV cho các Chi nhánh, doanh nghiệp
Với khoảng 25 xí nghiệp công nghiệp được dự đoán sẽ tham gia, Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá về thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, từ tín dụng, công nghệ, quản trị đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng, đối tác phát triển quốc tế, doanh nghiệp công nghiệp và đơn vị tổ chức dịch vụ năng lượng được thực thi trong vận hành Dự án có thể sẽ trở thành hình mẫu mới về mô hình triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng hiệu quả, nhằm đưa tiêu chí tiết kiệm năng lượng trở thành một trong nhưng tiêu chí khung của phát triển bền vững, văn minh, hiện đại tại Việt Nam.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững