Ngày 29/03/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Điển hình

Thép miền Nam đã tạo ra xỉ “sạch” như thế nào?

14:06 - 18/10/2018
Một quy trình sản xuất “sạch” trong sản xuất thép sẽ cho ra không chỉ những sản phẩm thép “sạch” mà ngay cả đến xỉ thải cũng “sạch”. Đó là quan điểm trong phát triển bền vững của Công ty TNHH MTV Thép miền Nam- VNSTEEL.
Bên trong Công ty TNHH MTV Thép miền Nam - VNSTEEL
Xỉ “sạch” phải bắt nguồn từ nguyên liệu sạch
Là một công ty sản xuất thép sử dụng công nghệ hiện đại, khép kín, được nhập khẩu đồng bộ từ Tập đoàn Dainieli (Ý), Công ty TNHH MTV Thép miền Nam – VNSTEEL hiện nay là một đơn vị sản xuất thép V đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống của Tổng công ty Thép Việt Nam – VNSTEEL. Với dây chuyền sản xuất hiện đại và khép kín với xưởng luyện có công suất 500.000T/năm, xưởng cán có công suất 400.000T/năm, Thép miền Nam luôn tuân thủ nguyên tắc sản xuất “sạch” có nghĩa là kiểm soát chặt chẽ mọi khâu từ nguyên liệu đầu vào cho đến công đoạn cuối cùng. Ông Nguyễn Thanh Thịnh - Phó Quản đốc phân xưởng sản xuất của Thép miền Nam cho biết: “Chúng tôi luôn chắc chắn về một quy trình sản xuất “sạch” ngay từ khâu đầutiên là phế liệu. Để có sản phẩm xỉ tốt, thu hồi kim loại cao thì khâu chế biến phế liệu là khâu quan trọng, quyết định lớn đến việc tạo xỉ, đồng thời đây cũng là khâu quyết định đến việc sử dụng, tiêu hao nguyên vật liệu tạo xỉ.
Phế liệu của Thép miền Nam bao gồm 2 nguồn trong nước và ngoài nước. Nguồn phế liệu trong nước chiếm 45-50%, nguồn nhập khẩu là hơn 50-55%, khoảng 1% là từ nguồn thu hồi. Trong xử lý phế liệu, Thép miền Nam có một quy trình để giảm thiểu tạp chất phế liệu trước khi đưa vào lò nhằm giảm tiêu hao và bảo vệ môi trường. Đối với nguồn phế liệu nội, công ty xây dựng quy trình kiểm soát tạp chất phế liệu ngay khi nhập liệu cũng như các cam kết của khách hàng đảm bảo tạp chất thấp nhất. Đối với phế liệu nhập khẩu đảm bảo quy định về hàm lượng tạp chất <1.2 % theo yêu cầu của việc nhập khẩu phế liệu nhưng vẫn là nguồn lẫn tạp chất cao hơn so với phế liệu trong nước, do đó khi được nhập khẩu, liệu sẽ được đưa về nhà máy, sử dụng xe chuyên dụng, sử dụng máy sàng, tách từ sàng lọc phế liệu, tách các tạp chất. Yêu cầu về kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào nhằm mục đích bảo vệ môi trường đồng thời đáp ứng việc tạo xỉ “sạch”, giảm tiêu hao kim loại và nguyên vật liệu tạo xỉ. “Từ những thực tế trong sản xuất chúng tôi thấy rõ rằng loại bỏ tạp chất tốt thì khâu tạo xỉ sẽ được tốt hơn” – ông Thịnh .
Liệu đang được xử lý trong lò
Bước tiếp theo được xem là “bí kíp” quan trọng trong vấn đề tạo xỉ đó là quản lý chất lượng phụ gia tạo xỉ, khối lượng phụ gia tạo xỉ cũng như kinh nghiệm vận hành, công tác xử lý số liệu để đưa ra một phương thức tạo xỉ tốt nhất. Để có xỉ “sạch” ở Thép miền Nam, sau khi xỉ được đổ xuống hố xỉ, sử dụng xe chuyên dụng để xúc xỉ đang ở dạng nóng đỏ và có lẫn các cục thép cũng như xỉ. Sau đó, cần tách sắt xỉ ra, lấy sắt để sử dụng, kiểm soát quá trình tách sắt xỉ ở các khâu tiếp theo được thực hiện sau khi xỉ được đưa ra hố xỉ để làm nguội, trước khi vận chuyển xỉ giao cho đơn vị chế biến xỉ tạo thành phẩm sử dụng cho các mục đích khác.
Khâu tiếp theo là khâu tạo xỉ ở lò LF cũng rất quan trọng. Xỉ ở lò LF phải đạt được “xỉ trắng”, để tạo được xỉ ở lò này thì cũng phải tính toán làm sao để đưa ra khối lượng nguyên vật liệu tạo xỉ tốt nhất, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên vật liệu để tạo được “xỉ trắng”, tách được thép trong xỉ để khi chuyển sang khâu tiếp theo sẽ giảm thiểu nhất việc xỉ lẫn tạp chất, sắt.
Đã có 82-85% lượng xỉ làm xi măng
Một trong những khó khăn trong việc bảo vệ môi trường chính là khâu làm nguội xỉ. Thép miền Nam những năm gần đây đã tìm ra hướng làm sao bụi xỉ thấp nhất, làm nguội nhanh nhất. Trong phần xỉ lò LF, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà chứa xỉ để làm nguội xỉ, hạn chế việc phát tán bụi ra môi trường. Các khu vực khác, để đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động cũng như bảo vệ môi trường, Công ty đã lắp các hệ thống phun nước để làm nguội xỉ, giảm bụi.
Rực cháy
Từ nhận thức rõ ràng như vậy, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam - VNSTEEL đã kiểm soát rất tốt chất lượng xỉ cũng như giảm bớt lượng xỉ một cách rõ rệt. Nếu như năm 2016 khối lượng xỉ lò điện chiếm khoảng 16-17% thì năm 2018, qua công tác xử lý phế liệu, kiểm soát vật tư cũng như quản lý về mặt sản xuất thì lượng xỉ giảm tương đối rõ rệt, từ 16% xuống còn 12%. Bên cạnh đó, các thông số khác như tiêu hao phế liệu cũng có sự chuyển biến mạnh dẫn tới sự giảm số lượng xỉ lò điện xuống. Những kết quả tích cực này cũng ảnh hưởng rất tốt tới chất lượng sản phẩm của thép. Số liệu thống kê từ 2015-2018 cho thấy, hàm lượng FeO trong xỉ giảm từ 27,6% xuống 24,83%. Đây chính là kết quả của khâu xử lý nguồn nguyện liệu tạo xỉ đầu vào như đã cam kết.
Các chuyên gia cũng cho biết, xỉ EAF sau khi được xử lý có đến 85% lượng xỉ được sử dụng để làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy làm xi măng, 12-15% xỉ được sử dụng để san lấp mặt bằng. Đây là một con số rất đáng ghi nhận trong xu thế hiện nay, khi mà Hiệp hội Xi măng Việt Nam vừa cho biết, thời gian tới nhu cầu xỉ lò cao cho sản xuất xi măng có thể đạt tới 20 triệu tấn/năm. Không lâu nữa thị trường mua bán xỉ gang thép sẽ rất sôi động và khi đó, người ta sẽ cân nhắc đến yếu tố “sạch” trong các nguồn xỉ. Với cách làm chuẩn ngay từ mọi khâu, xỉ thép “made in” Thép miền Nam có được các đối tác xử lý xỉ ưu ái lựa chọn cũng không có gì là lạ.
Theo Xã luận