Ngày 24/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Bộ Công Thương: Chủ động với mục tiêu tăng trưởng xanh

09:15 - 07/09/2018
Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường.
Phát triển năng lượng tái tạo góp phần xanh hóa nền kinh tế 

Đồng bộ giải pháp
 
Theo tính toán, lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực năng lượng chiếm trên 80% tổng phát thải quốc gia vào năm 2030. Bộ Công Thương với vai trò cơ quan tham mưu cho Chính phủ quản lý trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất công nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường.
 
Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu (BĐKH) và Tăng trưởng xanh (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương) - cho hay, với các hoạt động sản xuất công nghiệp, Bộ đã ban hành Thông tư quy định về định mức tiêu hao năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, hóa chất, sản xuất giấy, nhựa… và sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành văn bản áp dụng với các ngành công nghiệp khác.
 
Riêng việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã và đang từng bước xây dựng hệ thống phân phối xanh thông qua hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên phạm vi cả nước. Xác định rõ, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo là nhiệm vụ quan trọng góp phần xanh hóa nền kinh tế, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật và thúc đẩy, tổ chức thực hiện hoạt động phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các dạng năng lượng tái tạo…
 
Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh
 
Chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp đang là xu thế chung của toàn thế giới. Đi cùng xu thế này, trong giải pháp cấp bách và lâu dài, ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của quốc gia, những vấn đề mới như các rào cản kỹ thuật, xu thế phát triển theo hướng phát thải thấp, tăng trưởng xanh của các quốc gia trên thế giới và khu vực, đặc biệt là ở các thị trường lớn có tính dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu như Trung Quốc, Mỹ, EU… Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ phát thải thấp, tăng trưởng xanh cho các doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính thông qua các cơ chế mới về BĐKH như mua bán carbon, trao đổi tín chỉ carbon.
 
Chú trọng tổ chức và triển khai có hiệu quả Quyết định số 598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến 2025, trong đó một số nhiệm vụ liên quan đến tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường, bao gồm: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; bổ sung và hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường đối với một số ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Xây dựng, điều chỉnh và thực hiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam…
 
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, nhà nước cần triển khai các cơ chế, chính sách vừa mang tính bắt buộc, vừa khuyến khích trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Báo Công Thương