Ngày 25/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Tiêu dùng bền vững: Hành vi của người tiêu dùng là yếu tố quyết định

10:55 - 17/08/2018

Có thể thấy tiêu dùng bền vững chính là chìa khóa cho công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội. Vậy đâu là chiến lược để phát triển tiêu dùng bền vững?

1. Sự quan trọng của tiêu dùng bền vững đối với con người

Nhu cầu của con người đang ngày càng gia tăng, và theo nhận định từ Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (United Nations Environment Program – UNEP), nhu cầu của con người đang vượt quá sức cung của thị trường. Trong vòng 9 tháng, thế giới tiêu thụ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn trái đất có thể sản xuất trong 01 năm, và tỷ lệ này sẽ còn tăng trong tương lai. Thêm vào đó, các chuyên gia ước tính trước năm 2050 sẽ có thêm khoảng 2 – 3 tỷ người tiêu dùng trung lưu, làm tăng thêm gánh nặng cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất. Mặc dù vậy, vẫn có 1,2 tỷ người có mức sống chỉ 1,25$/ngày (tương đương 28.000 đồng/ngày) và 1,5 tỷ ngưởi nghèo đa chiều (UNEP).

Có thể thấy con người đang phải đối mặt với một mâu thuẫn lớn: nhu cầu tiêu dùng thì càng tăng trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Điều này gây ra rất nhiều bất ổn như: khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn; chất lượng môi trường đi xuống đồng nghĩa với chất lượng sống suy giảm; diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân,… UNEP cho rằng trong bối cảnh đó, phương án tối ưu nhất để giải quyết những bất ổn này là tiêu dùng bền vững. Tiêu dùng bền vững được hiểu là việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại; đồng thời hạn chế phát thải các chất ô nhiễm trong suốt vòng đời của sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai. Như vậy, tiêu dùng bền vững không chỉ là hoạt động “mua” mà còn là phong cách sống của người tiêu dùng, và người tiêu dùng là một định nghĩa rộng bao gồm cả chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng (tức cá nhân và hộ gia đình).

2. Hành vi người tiêu dùng quyết định tiêu dùng bền vững

Có thể thấy tiêu dùng bền vững chính là chìa khóa cho công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội. Vậy đâu là chiến lược để phát triển tiêu dùng bền vững? Các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã đưa ra rất nhiều công cụ pháp lý để phát triển tiêu dùng bền vững như: (i) các quy định như tiêu chuẩn, quy chuẩn, lệnh cấm; (ii) các hình thức khuyến khích kinh tế như thuế, trợ giá; (iii) các hình thức tuyên truyền như nhãn môi trường, chiến dịch marketing,… Những hình thức này đã đem lại một số thành công nhất định, tuy nhiên, thực tế cũng ghi nhận một số chính sách không hiệu quả (như việc tăng giá năng lượng nhằm giảm cầu).

Trong khi đó, UNEP đã ghi nhận, yếu tố thiết yếu và cốt lõi để đạt được tiêu dùng bền vững lại thuộc về chính người tiêu dùng, đó là hành vi cũng như phong cách sống của họ. UNEP cho biết, một hành vi đơn lẻ của một người tiêu dùng có thể nhỏ bé, nhưng hàng triệu hành vi nhỏ của tất cả người dân trên thế giới lại có ảnh hưởng vô cùng lớn tới môi trường. Từ việc chọn mua thực phẩm, sử dụng điều hòa, sử dụng điện, nước cho đến lựa chọn phương tiện giao thông,… tất cả đều tác động đến môi trường sống của người tiêu dùng. Hiểu được điều đó sẽ cho ta thấy, việc điều chỉnh hành vi người tiêu dùng sẽ là yếu tố cốt lõi của tiêu dùng bền vững.

Để đạt được tiêu dùng bền vững thông qua thay đổi hành vi người tiêu dùng, UNEP đã nghiên cứu và thống kê một số rào cản liên quan đến hành vi người tiêu dùng như sau:

- Phần lớn lựa chọn tiêu dùng là thói quen của người tiêu dùng (Ví dụ: rất nhiều người biết việc ăn quá nhiều/uống rượu quá nhiều/không hoạt động thể chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhưng 65% tỷ lệ người chết trên thế giới là do những bệnh gây ra bởi những thói quen trên, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh hô hấp)

- Hệ quả của tiêu dùng thường khó nhận ra (Ví dụ: khi sử dụng hoang phí điện, nước trong hộ gia đình thì không bị tính phí ngay mà phải đến khi có hóa đơn – thường là tháng sau. Điều này dẫn tới việc sử dụng điện, nước quá mức cần thiết trong gia đình)

- Người tiêu dùng không quan tâm đến việc tham gia xây dựng môi trường tiêu dùng bền vững, cho rằng hành vi của mình không liên quan trực tiếp đến tiêu dùng bền vững (Ví dụ: người tiêu dùng hiểu rõ về biến đổi khí hậu nhưng không nghĩ rằng hành vi hàng ngày của mình rất quan trọng đối với biến đổi khí hậu/mình không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu)

- Hành vi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi số đông (Ví dụ: khi được phát tờ rơi trên đường, nếu có người vứt ngay xuống đường thì những người khác sẽ có xu hướng làm theo thay vì bỏ vào thùng rác)

- Các hành vi tiêu dùng bền vững thường khó duy trì (Ví dụ: người tiêu dùng được vận động dùng túi giấy hoặc túi tái chế thay cho túi ni-lông, nhưng có khả năng cao sẽ quay trở lại dùng túi ni-lông vì một số lý do như sở thích, tiện lợi,…)

UNEP cho biết, xác định và khắc phục được những rào cản này đồng nghĩa với con đường đến với tiêu dùng bền vững sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Điều đó có nghĩa, tiêu dùng bền vững không phải là một đích đến quá xa vời, phải thực hiện qua luật pháp, lệnh cấm, thuế,… - những biện pháp tiêu tốn rất nhiều nguồn lực. Một môi trường sống tốt, ít ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an sinh xã hội được hình thành dựa trên các hành vi tiêu dùng nhỏ của mọi đối tượng tiêu dùng trên thế giới.

3. Kết luận

Hành vi của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xu hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, thay đổi hành vi người tiêu dùng là một thách thức rất lớn cho chính phủ vì nhiều khi ý định và hành động của con người không nhất quán. Điều này đặt ra yêu cầu mới cho những nhà hoạch định chính sách, đó là đưa những kiến thức về khoa học hành vi vào các chính sách phát triển tiêu dùng bền vững. Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc thay đổi hành vi người tiêu dùng trong một số lĩnh vực như (ví dụ thực tiễn được thống kê bởi UNEP): Nước, Năng lượng, Phương tiện giao thông, Thực phẩm và Rác thải, theo đó, tập trung vào thay đổi hành vi người tiêu dùng thông qua các biện pháp đánh giá; các chương trình vận động thu hút sự chú ý của người tiêu dùng vào các sản phẩm bền vững; các chiến dịch giúp người tiêu dùng lên kế hoạch cụ thể trước khi mua hàng,… Bằng các phương thức này, UNEP cho biết hệ quả của tiêu dùng đã trở nên tích cực hơn nhiều. Vì vậy, thay đổi hành vi người tiêu dùng chính là chìa khóa dẫn tới tiêu dùng bền vững, một trong những trụ cột thiết yếu của phát triển bền vững.

VP SXSH và SXTDBV tổng hợp

(Nguồn tham khảo: Báo cáo về ứng dụng khoa học hành vi trong tiêu dùng bền vững của UNEP)